Số tiền 22,8 tỷ USD cam kết trong năm 2021 bao gồm các khoản vay và bảo lãnh, viện trợ không hoàn lại, đầu tư cổ phần và hỗ trợ kỹ thuật được cung cấp cho các chính phủ và khu vực tư nhân. Ngoài ra, ADB đã huy động được 12,9 tỷ USD đồng tài trợ.
Trong số các cam kết năm 2021 của ADB, đã có 13,5 tỷ USD, tương đương 59%, là để ứng phó với đại dịch, mặc dù nhiều cam kết trong số này - chẳng hạn như tăng cường lĩnh vực y tế - cũng sẽ giúp ích cho khu vực trong dài hạn sau khi đại dịch kết thúc.
Bên cạnh đó, ADB đã cam kết 4,1 tỷ USD tài trợ việc mua sắm và cung cấp vaccine cho các quốc gia thành viên đang phát triển của mình. Ngân hàng cũng cung cấp 3,3 tỷ USD cho khu vực tư nhân để giữ cho các doanh nghiệp mở cửa, thương mại lưu thông và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ y tế…
Vẫn theo báo cáo này, giải quyết các thách thức phát triển dài hạn hơn, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, vẫn là một trọng tâm quan trọng trong các hoạt động năm 2022 của ADB. Để giúp đáp ứng mục tiêu tăng cường mới là tài trợ lũy kế 100 tỷ USD cho khí hậu vào năm 2030, ngân hàng đã công bố một loạt các sáng kiến tài trợ nhằm thúc đẩy quá trình phát triển carbon thấp của khu vực.
Một ví dụ cụ thể là cơ chế chuyển đổi năng lượng, sẽ giúp gia tăng đầu tư của nhà nước và tư nhân để tài trợ cho việc sớm chấm dứt hoạt động của các nhà máy điện than, mở rộng quy mô của các giải pháp năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đồng thời bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra công bằng với chi phí phù hợp.