Ngày 27-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố kế hoạch cung cấp ít nhất 14 tỷ USD trong một chương trình hỗ trợ toàn diện nhằm làm dịu bớt cuộc khủng hoảng lương thực đang trở nên tồi tệ ở châu Á và Thái Bình Dương do tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Khoản hỗ trợ này sẽ được cung cấp thông qua các dự án hiện tại và dự án mới trong những lĩnh vực đầu vào cho canh tác nông nghiệp; sản xuất và phân phối thực phẩm; bảo trợ xã hội; thủy lợi và quản lý nguồn nước, cũng như các dự án thúc đẩy những giải pháp dựa vào tự nhiên. ADB cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động khác góp phần củng cố an ninh lương thực, chẳng hạn như chuyển đổi năng lượng, giao thông, tiếp cận tài chính nông thôn, quản lý môi trường, y tế và giáo dục.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 55 của ADB vào chiều 27-9, ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB khẳng định: “Đây là một giải pháp ứng phó kịp thời và hết sức cấp thiết. Hỗ trợ của chúng tôi ưu tiên hướng tới những người dễ bị tổn thương trong giai đoạn trước mắt, đồng thời củng cố các hệ thống lương thực để giảm tác động của những rủi ro mất an ninh lương thực trước mắt và trong tương lai”.
Hỗ trợ này sẽ bắt đầu trong năm nay và kéo dài cho đến năm 2025. ADB cũng đặt mục tiêu thu hút thêm 5 tỷ USD giá trị đồng tài trợ từ khu vực tư nhân cho an ninh lương thực.
Rút kinh nghiệm từ việc hỗ trợ các thành viên trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007–2008, kể từ đó đến nay, ADB đã cung cấp 2 tỷ USD vốn đầu tư hàng năm cho lĩnh vực an ninh lương thực. Vào năm 2018, định chế tài chính này đã xác định an ninh lương thực là một hoạt động ưu tiên chủ chốt.