Ác mộng sắc tộc ở Virginia

Ngày 13-8, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở một cuộc điều tra dân sự nhằm làm rõ nguyên nhân một vụ tuần hành dẫn đến bạo loạn tại thành phố Charlottesville thuộc bang Virginia ngày 12-8, làm 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong đó có nhiều người trong tình trạng nguy kịch.
Hiện trường vụ bạo loạn tại thành phố Charlottesville
Hiện trường vụ bạo loạn tại thành phố Charlottesville
Những vụ bạo động liên tiếp xảy ra tại bang Virginia của Mỹ đã khiến thống đốc của bang này buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp. 

Tuần hành biến thành  bạo lực

Đây sẽ là cuộc điều tra liên bang bởi theo FBI, nghi can chính - James Alex Fields, 20 tuổi, đã vượt qua ranh giới bang, đi từ bang Ohio đến Virginia gây án. Hiện Fields đang bị giam giữ để phục vụ công tác điều tra. Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ứng cử viên thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đã kêu gọi Bộ Tư pháp tiến hành điều tra và truy tố vụ việc này như một “hành động khủng bố trong nước”. 

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nhận định vụ bạo lực gây chết người tại Charlottesville vi phạm luật pháp và công lý Mỹ. Cuộc tuần hành đã bắt đầu từ tối 11-8 khi hàng trăm người da trắng đốt đuốc biểu tình tại khuôn viên Đại học Virginia. Sang đến ngày 12-8, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi một chiếc xe lao vào một buổi tuần hành lớn với hàng ngàn người tham gia của phe cực hữu - những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng - ở thành phố Charlottesville ngày 12-8. Cuộc tuần hành mang tên “Đoàn kết phe cánh hữu” đã chạm trán làn sóng phản đối và dẫn đến xô xát với nhau. Cảnh sát TP Charlottesville cho biết đến cuối giờ chiều 12-8, ít nhất 35 người đã bị thương và được điều trị, trong đó có trường hợp nguy kịch. 

Cùng ngày, chỉ vài giờ sau vụ bạo loạn trên, đã xảy ra vụ rơi trực thăng xuống một khu rừng cách thành phố Charlottesville chỉ 11km  khiến phi công cùng một người trên máy bay thiệt mạng ở gần thành phố Charlottesville. Cảnh sát bang Virginia cho biết Ban An toàn Giao thông quốc gia và Cảnh sát bang đang tiến hành điều tra liệu có mối liên quan giữa vụ rơi trực thăng với cuộc tuần hành biến thành bạo lực của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng diễn ra trước đó cùng ngày tại thành phố này. Theo AP, đây là máy bay của cảnh sát bang Virginia và có thể rơi khi đang làm nhiệm vụ giám sát vụ bạo loạn.
 
Mâu thuẫn âm ỉ giữa các nhóm sắc tộc ?

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích vụ việc là “biểu hiện thái quá của thù hận, mù quáng và bạo lực từ nhiều phía”, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, bất kể màu da, tín ngưỡng, tôn giáo hay chính đảng. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã không đề cập đến vấn đề “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” khiến cho các nghị sĩ Dân chủ, các nhà hoạt động xã hội và một số nghị sĩ Cộng hòa đã chỉ trích. Theo họ, Charlottesville là điểm nóng nhiều năm nay phản ánh mâu thuẫn giữa các nhóm sắc tộc ở Mỹ. Các phong trào cực hữu ủng hộ da trắng và phân biệt chủng tộc đã hồi sinh mạnh mẽ trở lại kể từ khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. 

Cuộc đụng độ giữa các nhóm ủng hộ da trắng và phát xít mới với các nhóm chống phân biệt chủng tộc xảy ra khi các nhóm ủng hộ da trắng chống lại quyết định của thành phố Charlottesville về việc phá bỏ tượng đài tướng Robert E. Lee, người lãnh đạo Liên minh miền Nam (nhóm thất bại trong nội chiến Mỹ giai đoạn 1861 - 1865).  Mâu thuẫn sắc tộc đã trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong 2 nhiệm kỳ của vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ Barack Obama, người từng được hy vọng sẽ là người hàn gắn những vết thương sâu sắc của một xã hội bị chia rẽ bởi mâu thuẫn sắc tộc. Vụ bạo loạn ở thành phố Charlottesville đã trở thành cuộc biểu tình ủng hộ “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” lớn nhất trong lịch sử Mỹ mấy thập kỷ qua, khoét sâu thêm mâu thuẫn vốn có giữa các nhóm sắc tộc.

Tin cùng chuyên mục