Trong khi đó, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với các quy định hà khắc về giáo dục, sinh kế và sự tham gia của họ vào xã hội. Khoảng 4,2 triệu thanh niên Afghanistan đã nghỉ học, 60% trong số đó là trẻ em gái. Phần lớn phụ nữ bị cấm làm việc, ngoại trừ một số giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên tổ chức phi chính phủ.
Cho đến nay, các nhân viên OHCHR vẫn bám trụ Afghanistan, nơi nền kinh tế bị tê liệt và tình trạng đói nghèo ngày càng gay gắt. Tình hình càng thêm phức tạp do tác động của các biện pháp trừng phạt của quốc tế và việc đóng băng tài sản của nhà nước sau khi Taliban lên nắm quyền. Cuộc khảo sát qua điện thoại mới nhất của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính hiện 98% người Afghanistan không đủ thực phẩm để sinh sống so với con số chỉ 17% trước khi Taliban lên cầm quyền. WFP cần gấp 220 triệu USD mỗi tháng để cung cấp lương thực và hỗ trợ tiền mặt cho hơn 23 triệu người Afghanistan đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Trong lúc này, cộng đồng thế giới vẫn chưa có động thái gì vì các quan hệ với Kabul hầu như bị cắt đứt khi Taliban lên nắm quyền. Chỉ vài nước đơn phương viện trợ nhân đạo cho Afghanistan. Indonesia sẽ phối hợp với Liên hiệp quốc cử 2 máy bay chở lương thực, thực phẩm cho người dân Afghanistan. Chính phủ Indonesia sẽ ưu tiên cải thiện quyền của phụ nữ ở Afghanistan thông qua các gói học bổng giáo dục. Đầu tháng 12-2021, Ấn Độ đã chuyển 1,6 tấn dược phẩm, thiết bị y tế hỗ trợ Afghanistan thông qua Tổ chức Y tế thế giới. Những tuần tới, Ấn Độ sẽ cung cấp lúa mì và hỗ trợ y tế còn lại.
Bà Nada Al-Nashif, Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, cho biết cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc ở Afghanistan đang đe dọa các quyền cơ bản với phụ nữ, trẻ em gái. Việc các nhà chức trách Afghanistan và cộng đồng quốc tế giải quyết các cuộc khủng hoảng trong nước sẽ quyết định mức độ thụ hưởng nhân quyền của người Afghanistan, hiện tại và trong tương lai.