"Báo cáo Covid-19: Một năm Nhìn lại" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF và GlobeScan công bố ngày 25-5 cho biết, với 87% người rất lo lắng về đại dịch bùng phát, Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ quan tâm tới đại dịch cao nhất trong số 5 nước được khảo sát gần đây.
94% người Việt Nam được khảo sát cho biết “có thể ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế đóng cửa tất cả các chợ bán động vật hoang dã (ĐVHD) có nguy cơ cao, nơi bán động vật bị bắt từ tự nhiên” như một nỗ lực ngăn chặn những đại dịch khác bùng phát trong tương lai.
Báo cáo được xây dựng dựa trên nghiên cứu “Đằng sau lệnh cấm ngà voi” do WWF và GlobeScan thực hiện vào năm 2020 để hiểu sâu hơn về thái độ và hành vi của công chúng đối với dịch Covid-19 và các đại dịch trong tương lai.
Có tới 46% số người tham gia khảo sát cho rằng lây truyền bệnh từ động vật sang người là nguyên nhân gốc rễ có thể gây ra một đại dịch trong tương lai.
Cuộc khảo sát năm nay cho thấy, đa số những người được khảo sát tin rằng việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai cần bắt đầu bằng việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, bao gồm buôn bán ĐVHD có nguy cơ cao và phá rừng.
Tại cả 5 quốc gia, người dân ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã có nguy cơ cao - nơi bán động vật bị bắt từ tự nhiên (85%) và chấm dứt nạn phá rừng (88%). Trong đó, tại Việt Nam, tỷ lệ ủng hộ cho 2 vấn đề trên lần lượt là 94% và 95%.
Đáng lưu ý, 85% số người được hỏi ở cả 5 quốc gia ủng hộ hoặc ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận “Một sức khỏe” để đối phó với đại dịch. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ đồng ý là 93% và Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 có tỷ lệ đồng thuận cao nhất.
“Một sức khoẻ” là cách tiếp cận trong đó các chương trình hành động, chính sách và pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu sức khoẻ tốt hơn cho con người, động thực vật đặc biệt trong bối cảnh lây lan dịch bệnh giữa động vật và con người gia tăng và tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến.
Gần 20 tổ chức bảo tồn thiên nhiên vừa gửi Thư ngỏ lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kiến nghị về 6 giải pháp để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư. Trong số này có Tổ chức Tổ chức WWF-Việt Nam, PanNature, TRAFFIC, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có các bằng chứng khoa học khẳng định khoảng hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đa phần trong số đó là từ động vật hoang dã.
Các nhà bảo vệ thiên nhiên khẳng định, Việt Nam là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư Đông Á - Úc Châu. Việt Nam là quê hương của 900 trong số 10.000 loài chim hoang dã trên toàn thế giới (chiếm 9%) phân bố rộng khắp các sinh cảnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Việt Nam đã có 11 loài chim ở tình trạng cực kỳ nguy cấp, 19 loài nguy cấp, 28 loài sắp nguy cấp và 50 loài đang sắp bị đe dọa. Các tổ chức bảo vệ thiên nhiên cho rằng sự thiếu vắng các quy định cụ thể về bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư đã khiến công tác thực thi pháp luật chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Theo các tổ chức gửi thư tới người đứng đầu Chính phủ, tình trạng săn bắt, buôn bán chim hoang dã, chim di cư (trong đó có nhiều loài chim nguy cấp, quý, hiếm) đã và đang xảy ra công khai tại nhiều địa phương.
Các tổ chức này đề xuất Thủ tướng chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã như yêu cầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết đánh giá, kịp thời khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và xử lý kỷ luật các đơn vị không thực hiện nghiêm Chỉ thị này; gắn trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho UBND các cấp.
Về lâu dài, các nhà bảo vệ môi trường mong muốn Thủ tướng chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư và kỳ vọng Việt Nam sẽ tham gia Công ước quốc tế về Các loài di cư.