Chiều 14-12, tại tọa đàm "Hành động vì hạnh phúc học sinh" do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, sau hàng loạt vụ bạo hành xảy ra thời gian gần đây ở trường học, có nhiều đối tượng bị tổn thương nhưng trong đó học sinh là người bị tổn thương nhiều nhất.
Bởi các em đến trường không chỉ để được cung cấp kiến thức mà còn có nhu cầu được yêu thương, tìm thấy hạnh phúc qua việc học. Nhưng vì sao nhiều học sinh hiện nay không tìm được hạnh phúc khi đến trường?
Lý giải thực tế này, ông Vương Văn Cho, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Đình Hổ (quận 6) cho biết, học sinh hiện nay không cảm nhận được hạnh phúc vì mỗi ngày đến trường chưa phải ngày vui. Nguyên nhân là do các em phải chịu quá nhiều áp lực từ nhiều phía, giáo viên, bạn bè, gia đình, ai cũng kỳ vọng các em phải có thành tích học tập tốt nhưng năng lực mỗi người mỗi khác nhau. Trong một lớp học có 45 học sinh thì giáo viên phải xác định là 45 đối tượng dạy học riêng lẻ, áp dụng các phương pháp dạy học cá thể phù hợp từng em chứ không nên đặt ra một chuẩn yêu cầu chung cho tất cả học sinh cùng thực hiện.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng, khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" để thực hiện thành công phải bắt nguồn từ người lớn, trong đó vai trò đầu tiên là của người hiệu trưởng. Đơn cử như tại Trường THPT Nguyễn Du, hàng năm trong các hoạt động văn nghệ đều lắng nghe tiếng nói của học sinh. Cụ thể, trường chấp nhận đầu tư mời các ca sĩ nổi tiếng tuổi teen yêu thích như Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng, Kay Trần... vì hoạt động dành cho các em, phải lắng nghe tiếng nói, tâm tư của các em, xem các em thích gì và mong muốn điều gì. Tôi ngồi ngay hàng ghế đầu tiên, nghe hết bài hát không thể hiểu và cảm được gì nhưng nhìn thấy học trò của mình hò reo vui vẻ, tôi hiểu mình đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho các em.
Thầy Phú gọi đó là "vitamin vui" đã được thầy tiêm cho học trò của mình, giúp các em xem trường học gần gũi như ở nhà, được sống với đam mê, sở thích của mình.
Ngoài ra, bên cạnh vai trò của hiệu trưởng, để học trò cảm nhận được hạnh phúc, bản thân mỗi giáo viên phải quan tâm tổ chức các hoạt động giảng dạy trên lớp, vừa truyền thụ kiến thức vừa quan tâm rèn kỹ năng cho học sinh chứ không chỉ bám sát nội dung chương trình trong sách giáo khoa.
Để làm được điều đó, giáo viên phải đầu tư, tìm tòi để liên hệ kiến thức sách vở với thực tế cuộc sống để học sinh nhớ lâu kiến thức, không học vẹt theo kiểu phần một một định nghĩa, phần hai đặc tính... như cách giảng dạy theo truyền thống.
Bên cạnh đó, đối với yêu cầu kiểm tra, đánh giá, giáo viên nên tạo cơ hội cho học sinh cải thiện điểm số, đánh giá các em bằng cả quá trình chứ không phải đánh giá qua một bài kiểm tra đơn lẻ. Chỉ khi làm được như thế mới có thể động viên sự tiến bộ, kích thích sự ham học ở học sinh.
Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại hiện nay ở các trường sư phạm đó là số lượng học phần, tín chỉ các môn tâm lý chiếm tỷ lệ quá ít ỏi.
Cụ thể, năm 2001, môn tâm lý giáo dục giữ được chỗ đứng là một trong những môn thi tốt nghiệp ở các trường sư phạm. Sau đó, suốt 17 năm qua môn học này không có tên trong các môn thi tốt nghiệp.
Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, học phần tâm lý hiện nay chỉ chiếm 2 tín chỉ, môn giáo dục học chiếm không quá 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm. Đây là một trong những lý do khiến chất lượng đầu ra của sinh viên sư phạm còn hạn chế.
Để khắc phục thực tế này, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Bình Dương cho rằng, đầu tiên cần "cởi trói" cho giáo viên thông qua việc cho giáo viên thể hiện quyền tự do, sáng tạo, không cứng nhắc yêu cầu giáo viên tuân thủ 5 bước dạy học.
"Vì sao cứ phải mở đầu tiết học bằng câu hỏi "Cho cô biết hôm trước chúng ta học gì?". Thay vào đó, giáo viên có thể linh hoạt áp dụng nhiều hình thức kiểm tra bài cũ như kiểm tra vào giữa hoặc cuối tiết học, kết hợp dạy kiến thức bài mới với việc ôn lại bài cũ...", bà Nguyễn Thị Kim Tuyết nhấn mạnh.