Theo nguồn tin của Báo SGGP, có tới 90% nguyên nhân dẫn đến vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là do trụ tạm và giàn giáo.
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, đế trụ tạm số 14 đã bị nghiêng khoảng 70 độ trước khi bị đổ. Trong khi đó các trụ tạm lân cận cũng bị lún, nghiêng trước khi xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng nói trên.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, địa chất vùng ĐBSCL có đất bồi ven sông, đất yếu, địa chất trầm tích sông nhưng nhà thầu TKN đã không tiến hành khoan khảo sát địa chất. Thay vào đó, nhà thầu này đã sử dụng kết quả khoan khảo sát địa chất của trụ số 13 để áp dụng cho các trụ khác để thi công. Hiện cơ quan điều tra đang điều tra làm rõ độ sâu cụ thể của trụ tạm nhằm làm rõ sai phạm của đơn vị liên quan trong vụ sập cầu này.
Đặc biệt, kết quả điều tra bước đầu cho thấy hệ thống đà giáo, giàn giáo đã bị sử dụng sai thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu. Theo tiêu chuẩn, hệ thống đà giáo phải mới, bảo đảm chất lượng. Thế nhưng, hệ thống đà giáo ở đây là hàng “second hand”, sử dụng lại từ một công trình giao thông cao tốc ở Bangkok (Thái Lan). Mặc dù đã được một công ty của Nhật Bản hoán cải lại nhưng vẫn không bảo đảm an toàn kỹ thuật, chất lượng. Nghiêm trọng hơn, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống trụ tạm và đà giáo nhưng nhà thầu đã không nghiệm thu, không thử tải cũng như không làm rõ độ lún của địa hình phức tạp như ở ĐBSCL. Được biết, tư vấn giám sát Nippon Koei đã khuyến cáo, yêu cầu phải tiến hành các công đoạn trên.
NAM QUỐC