Mắc bệnh “nằm xuống không ngồi dậy được”
Chúng tôi được thầy Lương Văn Bá – Giáo viên Trường THCS Dũng Hợp đưa đến nhà ông Nguyễn Văn Sơn ở xóm 5 (xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).
Từ điểm trường trung tâm, phải đi qua nhiều con đường nhỏ ngoằn ngoèo mới tới được xóm núi heo hút. Thầy Bá cho biết: “Trường hợp nhà ông Sơn cả vùng biết. Hai đứa con tật nguyền nhưng rất ham học và học giỏi. Tưởng như không đến được trường, nhưng hai em đã đến trường trên đôi chân, bờ vai của người cha và nghị lực hiếm có của mình. Đây thực sự là kỳ tích”.
Vào nhà, ánh sáng ngoài trời hắt qua cửa sổ không đủ sáng. Phải “định hình” chốc lát chúng tôi mới thấy hai đứa trẻ, không hẳn ngồi cũng không hẳn nằm, đang trên giường. Khi điện được bật lên, chúng tôi chợt ồ lên vì bắt gặp hai khuôn mặt thông minh, sáng sủa của hai cháu. Nhưng rồi ai nấy lại lặng người khi thấy thân thể hai cháu mềm nhũn, người oặt đi như chực ngã nhoài xuống giường.
Ông Nguyễn Văn Sơn ngậm ngùi kể, ông có 6 người con, 4 người con đầu đều khỏe mạnh bình thường, nhưng không hiểu sao hai cháu sau lại bị bệnh. Nguyễn Thị Sương sinh năm 2001, vừa học xong lớp 9; còn Nguyễn Văn Sáng sinh năm 2004, vừa học xong lớp 7.
Sương và Sáng đều được phát hiện bệnh khi mới khoảng 1 tuổi. Vợ chồng ông đã đưa 2 con đi chữa trị nhiều nơi, từ Hà Nội cho đến TPHCM, nhưng không khỏi. Sau đó, mẫu máu được gửi sang Mỹ kiểm tra và kết luận hai cháu bị bệnh “thoái hóa cơ tủy”, một bệnh mà y học thế giới chưa chữa được. Càng lớn lên, người của Sương và Sáng cứ mềm dần ra, đến nay thì “nằm xuống là không ngồi dậy được”.
Điều an ủi lớn nhất với vợ chồng ông Sơn, ấy là dù bị bệnh nhưng trí não hai con phát triển bình thường, tay cầm được bút.
Ông Sơn tâm sự: “Thú thật là sau khi chạy chữa cho các cháu không được, vợ chồng tôi nản lắm, đuối sức, đuối tiền bạc. Với lại cũng nghĩ hai đứa bệnh tật thì học hành làm răng được. Nhưng rồi đứa mô cũng nằng nặc đòi đi học nên năm lên 8 tuổi tôi cũng tặc lưỡi cho đi. Vì vợ tôi không thể chở được, 4 anh chị chúng nó sống trong Nam cả, nên việc đưa đi đón về chỉ mình tôi cáng đáng. Cho đi học, mới hay hai đứa học rất giỏi, nhất là môn Toán”.
"Ước mơ đi được dép như các bạn"!
Người bị bệnh khác có thể cõng hoặc bế, còn bị bệnh như Sương và Sáng thì người mềm nhũn ra nên chỉ có vác vai mới được. Để chở được hai con, ông Sơn thiết kế 2 chiếc ghế bằng sắt, một buộc trước, một buộc sau yên xe. Cặp sách của cậu em treo hai bên gương trước tay lái, cặp của chị buộc sau đuôi xe. Em được vác ra đặt ngồi phía trước, xong sau đó đến lượt chị được vác ra đặt ngồi phía sau. Từ nhà đến Trường THCS Dũng Hợp dài 3,5km, mỗi ngày ông phải đưa hai con đi về 4 lượt. Khi Sáng còn học cấp 1, Sương học cấp 2, vị trí trường ở 2 nơi nên việc đưa đón thành 8 lượt.
Từ khi chấp nhận cho hai con đi học, ông Sơn xin nghỉ việc ở xã. Sau khi đưa hai con đến trường, ông quay về đi mua heo, gà, gạo… của dân trong vùng nhập cho Trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng trên địa bàn. Ngoài ra, vợ chồng ông còn làm 1,5 mẫu ruộng, chăn nuôi trâu, bò, heo, gà,…
Năm nay, đúng ra Sương lên lớp 10, nhưng ước mơ học tiếp phải ngừng lại. Vì trường cấp 3 cách nhà hơn 15km. Nếu để Sương ở lại trọ học thì cần phải có người trực tiếp chăm sóc, còn nếu đưa đi đón về thì mình ông Sơn không thể kham nổi.
“Hai chị em nó giờ không chỉ là chị em, mà còn là bạn của nhau nữa. Đến ốm chúng nó cũng cùng ốm. Giờ chỉ nghĩ đến việc thằng Sáng đi học, con Sương thì thui thủi một mình ở nhà mà không cầm lòng được các chú ạ. Cho nên giờ cứ cho thằng Sáng đi học tôi cũng phải cho con Sương đi cùng cho nó đỡ tủi”, ông Sơn buồn rầu tâm sự.
Khi được hỏi ước mơ của các cháu là gì, Sáng nhanh nhảu trả lời thay luôn chị: “Chị cháu muốn đi học tiếp, nhưng sợ bố đưa đi xa mệt nên không dám nói. À, mà cháu với chị cháu muốn được chữa bệnh để đi được dép như các bạn, chứ lâu ni mẹ mua dép cho bọn cháu chỉ để nhét gầm giường thôi”.