Một số đơn vị khác vẫn chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do mới được giao kế hoạch, đang triển khai công tác đấu thầu. Đặc biệt, đến thời điểm này, vẫn còn 9 dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư hoặc làm chủ đầu tư có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong đó, có 2 dự án chậm giải ngân do lựa chọn nhà thầu chậm gồm: Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (Ban quản lý dự án 2); Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận).
6 dự án chậm giải ngân do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu gồm: Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (Ban quản lý dự án 6); Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận); Dự án QL279B (Sở GTVT Điện Biên); Dự án QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa (Sở GTVT Hà Nam); Dự án QL15 (Sở GTVT Thanh Hóa).
1 dự án giải ngân chậm do hoàn thiện hồ sơ là Dự án đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý.
Bộ GTVT cũng cho biết, hiện Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án với tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn còn lại sẽ được giao khi các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt dự án đầu tư, dự kiến vào ngày 30-6. Từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT còn hơn 35.000 tỷ, bình quân 5.000 tỷ/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị lên kế hoạch giải ngân sớm, không để tập trung vào cuối năm.