Các dự án đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất khí sinh học từ rơm; tự động hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp; motor điện nội địa; điện khí sinh học cho các trang trại chăn nuôi; các sản phẩm từ tre như ván tre, tấm tre làm sàn và vật liệu xây dựng, than hoạt tính, nhiên liệu viên và hàng thủ công mỹ nghệ…
Các dự án sẽ nhận được những hình thức hỗ trợ năng lực chung và riêng phù hợp cho từng dự án. Các chuyên gia của CFA sẽ làm việc với các dự án để đưa ra lời khuyên về các khía cạnh kỹ thuật, mô hình tài chính, tài liệu sử dụng để kêu gọi đầu tư, cũng như cải thiện những vấn đề bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI).
Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew, cho biết: “Các dự án thú vị và sáng tạo được chọn tham gia CFA Việt Nam nhấn mạnh tiềm năng to lớn của khu vực tư nhân Việt Nam trong việc giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu. Kiến thức chuyên môn được chia sẻ với các dự án này sẽ giúp họ tiến gần hơn đến việc tìm kiếm nhà đầu tư, từ đó sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon ở các cộng đồng trên toàn quốc”.
Sau buổi cố vấn và xây dựng năng lực, các dự án sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính tại hội thảo diễn ra vào tháng 5. CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện là 11,8 triệu bảng Anh (14,46 triệu USD), do Quỹ Tài chính khí hậu quốc tế (ICF) của Anh tài trợ thông qua Bộ An ninh năng lượng và phát thải ròng bằng không (DESNZ).
CFA được triển khai ở 9 quốc gia (Colombia, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Peru, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam) với mục tiêu xây dựng nguồn dự án carbon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia.