Phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã bắt đầu bước vào tuần xét xử thứ 3 trong khi kế hoạch xét xử ban đầu chỉ khoảng 5 ngày.
Rõ ràng, một phiên tòa chỉ có 3 bị cáo với cáo trạng chưa đầy 20 trang nhưng thời gian xét hỏi, thẩm vấn tại tòa lại kéo dài tới hơn tuần, dài hơn cả những phiên tòa xét xử các "đại án" kinh tế thời gian qua thì quả thực phiên tòa ở Hòa Bình là vô cùng đặc biệt và nóng bỏng.
Thậm chí "sức nóng" của vụ án không chỉ diễn ra ở trong phiên xét xử mà còn lan rộng khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và ngay tại nghị trường Quốc hội cũng rất nóng với nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về vụ án. Tuy nhiên với cộng đồng, dư luận xã hội theo dõi phiên tòa trong suốt thời gian qua, sức nóng của vụ án còn là rất nhiều chứng cứ, tình tiết mới được "phanh phui" trong quá trình xét xử, khiến những những người theo dõi, quan tâm tới vụ án không khỏi bất ngờ, bức xúc và cả phẫn nộ.
Không khó để thấy rằng, trong những ngày xét hỏi, tranh luận công khai vừa qua, bên cạnh việc đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên Thận nhân tạo) không có tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thì các luật sư cũng đã đưa ra hàng loạt chứng cứ, làm rõ nhiều tình tiết cho thấy có sự yếu kém, sơ hở trong cả quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng dẫn đến việc quy kết trách nhiệm cho các bị cáo thiếu khách quan và sai quy trình.
Cùng với đó, quá trình xét xử cũng cho thấy sự buông lỏng, bất cập rất lớn trong công tác quản lý của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Trong đó phải thẳng thắn thấy rằng, chạy thận nhân tạo là một kỹ thuật, phương pháp điều trị gắn liền với nhiều hệ thống thiết bị y tế và chạy thận nhân tạo đã được triển khai thực hiện nhiều năm nay tại hàng loạt bệnh viện trong cả nước. Tuy nhiên tới tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế mới ban hành quy chuẩn với 52 quy trình về lọc máu chạy thận nhân tạo.
Rõ ràng chỉ khi có vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân tử vong, Bộ Y tế mới vội vã rà soát các quy trình về lọc máu, chạy thận nhân tạo, bảo dưỡng thiết bị RO để ban hành quy trình chuẩn là quá chậm chễ và buông lỏng trong công tác quản lý.
Trong khi đó, đối với Sở Y tế tỉnh Hòa Bình là cơ quan chủ quản của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, từ năm 2010 BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã đưa dịch vụ chạy thận nhân tạo vào hoạt động nhưng tới năm 2016, Sở Y tế Hòa Bình mới phê duyệt giấy phép cho BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình được thực hiện chạy thận nhân tạo.
Điều này cùng đồng nghĩa với việc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có 6 năm liền tổ chức chạy thận nhân tạo "chui". Còn Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng giám sát, kiểm tra nên đã để BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình tổ chức chạy thận nhân tạo "bất hợp pháp" trong một thời gian dài.
Không chỉ có vậy, qua phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình cũng đã lộ ra thiếu sót, bất cập trong quản lý thực hiện hoạt động xã hội hóa y tế nên thực tế đã có không ít trang thiết bị y tế, máy móc của tư nhân được đặt trong bệnh viện công nhưng không bảo đảm chất lượng, an toàn chính xác các thông số, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng điều trị cho người bệnh.
Cũng chính vì không có quy trình chuẩn về bảo dưỡng sửa chữa thiết bị y tế mà cụ thể là hệ thống lọc thận, quản lý nước RO, cũng như quy trình kiểm tra chất lượng nước AAMI nên bị cáo Bùi Minh Quốc (giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) khi tiến hành sửa chữa bảo dưỡng hệ thống nước RO số 2 cho Đơn nguyên Thận nhân tạo đã vô tư sử dụng các hóa chất nguy hại mà chẳng có ai giám sát, nhắc nhở và bản thân vị giám đốc này cũng không hề biết các hóa chất được sử dụng để lọc rửa hệ thống RO lại là chất cấm trong y tế.
Trong khi đó, về phía nhiều luật sư trong phiên tòa khi phát hiện ra những "lỗ hổng" chết người liên quan tới trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và một số cơ quan chức năng ở địa phương đã không dấu nổi bức xúc khi đặt ra hàng loạt các câu hỏi: “... Phải chăng chỉ có người dân chết là không đúng quy trình, còn tất cả chúng ta đều đúng quy trình?... Bộ Y tế trả lời sao đây với sinh mạng của 9 con người?”.
Do đó, các luật sư đã thẳng thắn đề nghị Hội đồng xét xử, các cơ quan chức năng hãy cố đi tới sự thật cuối cùng của vụ án, không chỉ để đảm bảo xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai mà quan trọng hơn để cho 9 nạn nhân trong vụ tai biến và gia đình của họ được yên lòng, cũng như không để lặp lại "sự cố" Hòa Bình thứ 2.