Con số bất ngờ
Số tiền trên do 32 chính phủ, 12 quỹ, công ty và các tổ chức trên toàn thế giới cùng cam kết đóng góp. Con số 8,8 tỷ USD cũng đã vượt xa mục tiêu ban đầu của ban tổ chức là 7,4 tỷ USD nhằm đảm bảo tất cả mọi người trên thế giới bình đẳng trong quyền tiếp cận các loại vaccine. Một phần trong số tiền quyên góp sẽ được dùng để hỗ trợ các hệ thống y tế trước tác động của đại dịch Covid-19 và duy trì các cơ sở hạ tầng cần thiết để tìm ra vaccine phòng Covid-19 trong tương lai.
Hội nghị Thượng đỉnh Vaccine toàn cầu 2020 do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì đã thu hút đươc sự tham gia của đại diện đến từ 52 nước, bao gồm 35 nguyên thủ quốc gia cùng với những người đứng đầu các tổ chức y tế trên thế giới, các nhà tài trợ tư nhân, đại diện các nhà máy sản xuất vaccine để cùng với GAVI nhằm mục tiêu bảo vệ gần nửa số trẻ em trên thế giới trước các dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm.
Những nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới cũng đưa ra cam kết sẽ cung cấp nhiều tỷ liều vaccine cần thiết để tiếp tục hỗ trợ cho các nước ở châu Á và châu Phi. GAVI là một trong những tổ chức công-tư lớn nhất và thành công nhất trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala, Chủ tịch liên minh GAVI, khẳng định, cam kết tài trợ mới này mang lại hy vọng cho nhiều nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới và tin tưởng nhất định GAVI sẽ làm tốt vai trò của mình trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Cần sự công bằng
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã cảnh báo, khoảng 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi đang phải đối mặt rủi ro về dịch bệnh do những khó khăn từ việc không thực hiện các chương trình tiêm chủng phòng bệnh bởi Covid-19 đang diễn ra khắp nơi. Ngoài các cam kết đóng góp tài chính, một trong những điều được quan tâm tại hội nghị lần này là vấn đề chia sẻ vaccine công bằng và cân bằng giữa các quốc gia. Do đó, cam kết có sự bình đẳng trong việc cung cấp vaccine đã phần nào xua đi những lo ngại trước đó cho rằng, đại dịch sẽ không chấm dứt nếu không đảm bảo sự tiếp cận công bằng giữa các quốc gia. Trước đó, nhiều người lo ngại việc các nước giàu và các hãng dược lớn, vì lợi ích riêng, có thể khiến nhóm người dân yếu thế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, không thể hoặc chậm được tiếp cận vaccine phòng Covid-19.
Hiện có hơn 100 loại vaccine phòng Covid-19 được phát triển. Các quốc gia đang nỗ lực chạy đua, rút ngắn quá trình sản xuất vaccine vốn kéo dài 10-15 năm xuống còn khoảng 18 tháng. Hiện đang có một cuộc đua “tỷ đô” giữa các quốc gia để sở hữu những lô hàng vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trong bối cảnh hoạt động bào chế đạt được kết quả tích cực. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, để có được vaccine phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả phải mất từ 12-18 tháng.