Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện có trên 87% học sinh của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đã đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường.
Lý giải vấn đề này, PGS-TS Bùi Thị Nhung, Trưởng phòng Dinh dưỡng và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, sức hút lớn nhất từ chương trình này không chỉ là sản phẩm được hỗ trợ hơn 50% về giá, mà chính là chất lượng sữa học đường. Ngoài các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về các thành phần dinh dưỡng giống như các loại sữa bán ngoài thị trường, nguồn sữa cung ứng cho chương trình học đường được bổ sung 3 vi chất vitamin D, canxi, sắt với sự nghiên cứu kỹ lưỡng về liều lượng để bổ sung thích hợp với lứa tuổi trẻ mầm non và tiểu học.
Trên thực tế, ngay khi chương trình Sữa học đường được triển khai rộng trên địa bàn thành phố, nhiều phụ huynh đã đến giám sát, trực tiếp nhiều lần xem con mình uống sữa ở trường. Và việc tận mắt kiểm tra, nhìn thấy các cháu hào hứng uống hết, phụ huynh cũng rất yên tâm.
Cũng theo ông Tiến, thời gian đầu triển khai chương trình Sữa học đường, Sở GD-ĐT đã nhận thấy một số trường ngoài công lập trên địa bàn, dù có quy mô rất lớn nhưng không triển khai cho phụ huynh đăng ký sử dụng sữa học đường. Lý do mà các trường này đưa ra là vì trong suất ăn bán trú mà nhà trường cung cấp cho phụ huynh lâu nay đã có sữa nên nhà trường thấy không cần thiết phải thông báo cho phụ huynh về chương trình Sữa học đường. Tuy nhiên, điều này là chưa hợp lý.
Có thể nói, việc nhà trường không thông báo cho phụ huynh đã làm mất đi của học sinh cơ hội được hưởng những ưu đãi rất nhân văn từ chương trình. Cụ thể, mỗi hộp sữa học đường được ngân sách thành Phố hỗ trợ 30% chi phí, doanh nghiệp hỗ trợ 23% chi phí và phụ huynh chỉ phải trả 47% chi phí giá thành của hộp sữa so với giá thị trường. Hơn nữa, Sữa học đường còn được bổ sung 3 loại vi chất thiết yếu với sự phát triển của trẻ. Do vậy, với những trường chưa triển khai hoặc thông tin về chương trình này, phụ huynh hoàn toàn có thể khiếu kiện nhà trường để được đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Ông Lê Văn Đức, Trưởng bộ phận Truyền thông cộng đồng Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk thay mặt công ty Vinamilk cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị trường học trong thời gian qua và sự tin tưởng của phụ huynh học sinh dành cho Vinamilk, đó là động lực to lớn để Vinamilk nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai tốt chương trình Sữa học đường tại TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, Vinamilk sẽ tiếp tục triển khai chương trình với tinh thần trách nhiệm nhất nhằm mang lại chương trình Sữa học đường an toàn, hiệu quả cho trẻ em thủ đô.
“Chúng tôi đã cam kết với chủ đầu tư là Sở GD-ĐT Hà Nội rằng khi nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan sữa học đường, sau khi nhận được thông báo, chúng tôi sẽ có nhân sự đến xem xét, xử lý kịp thời”, ông Đức cho hay.
Đối tượng thụ hưởng chương trình Sữa học đường của UBND TP Hà Nội là trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tự nguyện tham gia. Mức đóng góp cho chương trình Sữa học đường theo kế hoạch trước là ngân sách 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 23% và phụ huynh góp 47%. Trước khi chương trình Sữa học đường chính thức thực hiện ở các nhà trường (từ ngày 2.1.2019), Vinamilk và Sở GD-ĐT Hà Nội, các phòng GD-ĐT các quận, huyện đã tiến hành tập huấn liên tục trong 10 ngày trên khắp 30 quận, huyện trong địa bàn TP Hà Nội cho gần 10.000 đại biểu bao gồm: Ban giám hiệu, các giáo viên, đại diện hội phụ huynh học sinh từ 1.847 trường công lập và 2.509 nhóm trẻ nhằm cung cấp những kiến thức chuyên môn cần thiết liên quan đến việc triển khai chương trình Sữa học đường. |