Tại hội nghị “Chuẩn trình độ tiếng Anh tại ĐHQG TPHCM: Thực trạng và giải pháp” vừa được Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (thuộc ĐHQG TPHCM), PGS-TS Vũ Phan Tú, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Đại học ĐHQG TPHCM, cho biết chương trình đào tạo tiếng Anh không chuyên được ĐHQG TPHCM xây dựng và triển khai cho sinh viên ĐHQG TPHCM các khóa đào tạo từ năm 2013 trở đi. Theo đó, từ tháng 9-2013 đến 30-6-2017, ĐHQG TPHCM tổ chức 105 kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cấp chứng chỉ VNU-ETP cho hơn 20 ngàn sinh viên.
PGS-TS Vũ Phan Tú cho biết thêm: “Tính đến tháng 12-2016, ở bậc đại học, tỷ lệ sinh viên chuẩn đầu ra theo quy định còn khá thấp, dao động trong khoảng 10%-15%. Đối với bậc sau đại học, tỷ lệ học viên cao học chưa đáp ứng chuẩn trình độ tiếng Anh để tốt nghiệp có xu hướng tăng dần theo các khóa: 41% khóa 2013 lên đến 50,8% khóa 2015”.
Đồng tình với thực trạng trên, TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT ĐHQG TPHCM, nhận định: “Hiện số lượng sinh viên ở các tỉnh theo học tại trường chiếm hơn 80%, chất lượng đầu vào tiếng Anh của các em vốn không đồng đều. Do đó trình độ đạt chuẩn đầu ra theo đúng tiến độ đối với sinh viên của trường là rất khó”.
TS Nguyễn Hoàng Tú Anh cho biết thêm, đối với bậc đại học, ĐHQG TPHCM áp dụng khung đánh giá năng lực B1 và phiên ra các chứng chỉ tương đương TOEIC 450, IELTS 4.0 nhưng không nhất thiết phải quy định cứng nhắc là 2 hay 4 kỹ năng. Điều này, các nghiên cứu của Mỹ đã chứng minh, đối với mức năng lực 550 (quy theo mức điểm TOEIC) mới khuyến khích áp dụng 4 kỹ năng.
Về việc thực hiện chứng chỉ VNU-ETP, PGS.TS Trần Lê Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, cho biết: “Mặc dù lệ phí thi VNU-EPT rất thấp so với các chứng chỉ quốc tế khác nhưng rất ít sinh viên chịu đăng ký dự thi. Đa số các em đều cho rằng, doanh nghiệp không hề sử dụng dạng chứng chỉ này. Tôi cho rằng, để áp dụng hiệu quả VNU-EPT, chúng ta cần tạo được uy tín của chứng chỉ này đối với xã hội, đặc biệt là các nhà tuyển dụng”.
Tại hội nghị, đại diện Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế cũng báo cáo cho biết tỷ lệ sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc đại học và sau đại học còn rất thấp. Đại diện các trường cũng kiến nghị cần thống nhất ban hành một quy chế chung hướng dẫn về việc đánh giá năng lực ngoại ngữ để tránh chồng chéo giữa các quy định như hiện nay, cũng như đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đề nghị ban đại học, sau đại học xem xét, tham mưu cho Ban giám đốc ĐHQG TPHCM hoàn thành chương trình chuẩn trình độ tiếng Anh cho sinh viên ĐHQG TPHCM trong thời gian tới.
“Chúng ta đề ra định hướng dẫn đầu trong việc hội nhập quốc tế mà sinh viên nói không ra tiếng Anh thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị các ban phụ trách cần đề ra giải pháp sao cho chứng chỉ VNU-ETP được xã hội thừa nhận và các đơn vị tuyển dụng tin dùng. Về lộ trình áp dụng quy định chuẩn trình độ tiếng Anh, tôi có mấy đề nghị sau: Đối với bậc đại học, sau đại học từ năm 2017 - 2022, áp dụng chứng chỉ 2 kỹ năng và bổ sung 2 kỹ năng; từ năm 2022 trở đi sẽ áp dụng chứng chỉ 4 kỹ năng. Còn các khóa từ năm 2013-2016 sẽ áp dụng chứng chỉ 2 kỹ năng”, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt yêu cầu.