Sau thành công trong việc tổ chức Đại lễ Vesak tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (TP Hà Nội) năm 2008, tại Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) năm 2014, tại Chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) năm 2019, thì đến năm 2025, Việt Nam lần thứ 4 vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Chủ đề đại lễ: Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người
Tại họp báo, phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề đại lễ. Theo đó, ban tổ chức đã chọn chủ đề chính là "Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Theo Hòa thượng GS-TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch ICDV, ban tổ chức đã thống nhất, lựa chọn chủ đề chính phù hợp với chủ đề năm của Liên hợp quốc và các sự kiện trọng thể, ý nghĩa của đất nước Việt Nam.
Chủ tịch ICDV đánh giá cao và tin tưởng, GHPGVN một lần nữa sẽ tổ chức thành công đại lễ, để hàng ngàn Phật tử khắp nơi đến với Việt Nam, học hỏi cách phát triển nhanh chóng Phật giáo tại Việt Nam trong vòng hai thập niên trở lại đây.
Lý giải rõ hơn về ý nghĩa chủ đề, Hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết, Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 tập trung vào phần đại lễ bên cạnh các sự kiện văn hóa, lễ hội tôn giáo.
Đặc biệt, năm 2025 đối với đất nước Việt Nam có nhiều sự kiện trọng đại như: 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2025); 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025)…
Theo Hòa thượng Thích Đức Thiện, ý nghĩa của chủ đề cũng thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, sức mạnh đó đã mang đến hòa bình, thống nhất và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đây cũng là thông điệp Việt Nam muốn nhấn mạnh, đó là Đảng, Nhà nước lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự phát triển đất nước. "Bao hàm" có nghĩa là bao hàm tất cả, không phân biệt chúng sinh, để không ai bị bỏ lại phía sau. Chủ đề này cũng gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cơ hội quảng bá hình đất nước, con người và văn hóa Việt Nam
Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam sẽ là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc.
Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Dự kiến, Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 có 80 quốc gia tham dự.
Ngoài ra, Đại lễ Phật đản Vesak 2025 và hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại TPHCM dự kiến có sự tham gia của khoảng 2.000 đại biểu chính thức, gồm 1.000 đại biểu khách mời quốc tế là nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các cơ quan của Liên hợp quốc; lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, học giả và các nhà nghiên cứu.
Đại biểu khách mời trong nước gồm khoảng 1.000 tăng ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các bộ, ban ngành Trung ương và các tỉnh, thành trên cả nước; cùng với hàng ngàn Phật tử và người dân Việt Nam.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng được Liên hợp quốc công nhận, nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu.
Vào ngày 15-12-1999, trong kỳ họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Mục 174 của Chương trình nghị sự, chính thức công nhận Vesak, hay còn gọi là "Đại lễ Tam hợp" (kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật, thường tương ứng với tháng 5 Dương lịch), là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc.
Dự kiến, thời gian tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 từ ngày 6 đến 8-5-2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).