Bước chân di sản mùa đầu tiên vừa diễn ra tại Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) - Chương trình do đạo diễn Hoàng Công Cường, siêu mẫu Hạ Vy sáng lập và đồng tổ chức - nhận được nhiều lời khen ngợi từ đồng nghiệp và khán giả bởi cách làm chuyên nghiệp, đẳng cấp, tinh tế và ấn tượng.
Mùa đầu tiên, Bước chân di sản thu hút sự tham gia của 8 nhà thiết kế và thương hiệu thời trang gồm: Hà Duy, Helene Hoài, Thanh Hương Bùi, La Phạm, Vũ Việt Hà, Kenny Thái, Seven Uomo và Dezi. 8 bộ sưu tập đậm chất nghệ thuật, tôn vinh những giá trị bền vững, di sản văn hóa của dân tộc khiến cho không gian làng nghề của Bát Tràng trong ngày Hà Nội trở gió càng trở nên đặc biệt.
VC Fashion Show Bước chân di sản quy tụ gần 100 người mẫu, được chọn từ 300 người tham gia casting
Các NTK cũng đã dày công tìm tòi và đưa ra những ý tưởng thiết kế nhằm tôn vinh không gian văn hóa Bát Tràng, như bộ sưu tập của NTK Hà Duy lấy cảm hứng từ gốm sứ và hoa sứ trắng, hay NTK Helene Hoài đưa vào bộ sưu tập của mình những gam màu earthy gần gũi theo các sắc độ màu của gạch nung, đất nung ấn tượng.
Lấy ý tưởng từ màu trắng của men sứ, nhà thiết kế thể hiện sự bay bổng qua các phom váy 3D trên nền vải sợi tre - chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường Nhà thiết kế Hà Duy mở màn show diễn với bộ sưu tập “Sứ”. 30 thiết kế hiện đại nhưng mang đậm sự pha trộn giữa văn hóa dân gian và đương đại. Sức hút của “Sứ” còn thể hiện ở dàn người mẫu nổi bật bao gồm diễn viên Lương Thanh trong vai trò vedette, Hoa hậu Áo dài Phí Thùy Linh, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu Lý Kim Thảo, trình diễn cùng model bạch tạng Ngô Thuý Quỳnh và model khuyết tay Hà Phương...
La Phạm sử dụng chất liệu nhung phối ren lấy cảm hứng từ thời vua Edward những năm 1890 - Thời kỳ hoàng kim của lĩnh vực thời trang và nghệ thuật Paris - La Belle Époche Nhà thiết kế Thanh Hương Bùi mang đến bộ sưu tập áo dài “Long Phụng trình tường” lấy cảm hứng từ họa tiết Long - Phụng, biểu tượng của sự hài hòa, vẹn toàn, thường xuyên được các nghệ nhân sử dụng trong các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.
Toàn bộ thiết kế đều được các nghệ nhân áo dài vẽ tay thủ công và mỗi sản phẩm là một bức tranh rực rỡ sắc màu, như những bảo vật có niên đại hàng ngàn năm, mang theo câu chuyện của từng triều đại trong lịch sử. Nhà thiết kế Kenny Thái mang đến bộ sưu tập “Dạ yến” được ví như bữa tiệc phù hoa của những tà áo dài. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của những người phụ nữ quyền lực, nhà thiết kế đã thổi vào di sản thiêng liêng một tinh thần xa hoa, lộng lẫy và không kém phần tinh tế. Thương hiệu Dezi giới thiệu bộ sưu tập suit với họa tiết lấy cảm hứng từ những kỳ quan khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, thương hiệu này còn mang đến những thiết kế suit phong cách cổ điển, gắn với phái mạnh từ thập niên 1930. Seven Uomo khiến nhiều khách mời trầm trồ vì bộ sưu tập mang tính ứng dụng cao, kết tinh từ nét đẹp truyền thống và hiện đại. Các thiết kế lấy cảm hứng từ gốm và trống đồng, những di sản của nền văn hóa Đông Sơn hàng nghìn năm. Bộ sưu tập chất liệu gần gũi thiên nhiên với những tông màu trầm đầy nam tính như đen, nâu, xám…
Giữ vai trò kết show của Bước chân di sản là nhà thiết kế Vũ Việt Hà với bộ sưu tập áo dài “Trở về”. Những chiếc áo dài may từ lụa tơ sen, thổ cẩm, lụa tơ chuối… được thêu tay tỉ mỉ, hòa hợp với không gian của Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Những sáng tạo dựa trên sự kết hợp của yếu tố truyền thống và hiện đại tạo nên tổng thể độc đáo, đầy tính nghệ thuật, lấy cảm hứng từ sự phát triển của gốm Bát Tràng thế kỷ XV-XVI cùng áo dài Hà Nội thập niên 1930.
Đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết vật liệu trên bề mặt của đường runway độc đáo được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam. Sau Bát Tràng, ban tổ chức kỳ vọng những bước chân thời trang sẽ đi đến các miền di sản của tổ quốc, đưa những tinh hoa văn hóa đặc trưng của từng vùng trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt dành cho các nhà thiết kế sáng tạo những tác phẩm thời trang đậm chất nghệ thuật, tôn vinh những giá trị bền vững về di sản văn hoá của dân tộc.
MAI AN