Ngay trước khi bế mạc phiên họp thứ 9, chiều 24-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Đến ngày 23-3-2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trong khi đó, chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài, không báo cáo cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát, không định lượng cụ thể số liệu thất thoát, lãng phí trong khi Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn báo chí nêu rất nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm trong THTK, CLP.
“Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan dẫn đến việc chậm ban hành các chương trình tổng thể này”, báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ. Không những chậm, theo nhận định của đoàn giám sát, việc ban hành chương trình đôi khi còn mang tính hình thức.
Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói: “Mỗi địa phương đều có 3 báo cáo, nhưng chất lượng không đồng đều, có nhiều báo cáo cũng chung chung, giống giống nhau. Đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, người đứng đầu trong triển khai là không rõ”.
Các tồn tại, hạn chế nêu trên dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác chưa hiệu quả, một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2021, số dự án thực hiện chậm tiến độ là 313.444 dự án; các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án…
Cần nói rõ rằng đây chủ yếu là số liệu của năm 2020 (78.266 dự án), năm 2016 có 12 dự án, năm 2018 là 7 dự án; các năm 2017, 2019, 2021 không có thông tin số liệu.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bức xúc: “Tình trạng cầu làm không có đường, đường làm xong không có cầu vẫn tồn tại, giải pháp như thế nào?".
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị tăng cường sức mạnh của truyền thông, chỉ rõ địa chỉ vi phạm. Về phía đoàn giám sát, cần phải nêu cho được giải pháp khắc phục triệt để.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận những nỗ lực của đoàn giám sát và đề nghị các đoàn ĐBQH ở các địa phương phát huy vai trò, làm sâu sắc, toàn diện thêm nội dung báo cáo.
“THTK, CLP là khái niệm rất rộng, UBTVQH đã lựa chọn 5 lĩnh vực thôi, cần xoáy vào đó chứ không nói chung, kẻo không “gói” vấn đề lại được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bình luận.