Tại buổi họp mặt, Trung tướng PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, trong 75 năm qua, Học viện đã đào tạo cho Quân đội và Nhà nước hơn 100.000 cán bộ, nhân viên y tế; trong đó có hơn 1.200 tiến sĩ, hơn 10.000 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, bác sĩ chuyên khoa cấp 2; gần 30.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật, sĩ quan dự bị và trên 60.000 nhân viên y tế… Hiện Học viện có 100% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 53 giáo sư, 234 phó giáo sư và hàng trăm tiến sĩ, 19 thầy thuốc nhân dân, trong đó có nhiều cán bộ, chuyên viên đầu ngành.
Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên, sau 75 năm phát triển mạnh mẽ, Học viện Quân y tự hào là một trong những đơn vị đi đầu về đào tạo sau đại học, đứng thứ 2 trong các trường đại học y dược của cả nước về số lượng và chất lượng. Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ nhân viên, chiến sĩ và người lao động đã liên tục ngày đêm, miệt mài tận tụy cứu chữa, điều trị, mang lại sự sống và sức khỏe cho người dân.
Giám đốc Học viện Quân y trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, giúp đỡ của các bộ, ngành; sự hỗ trợ của các đơn vị, bệnh viện, chính quyền và nhân dân các địa phương; các cán bộ khoa học, nhà giáo, thầy thuốc trong và ngoài Quân đội trong suốt hành trình 75 năm xây dựng và phát triển của Học viện.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khi thành phố bị dịch Covid-19, bản thân với tư cách là công dân thành phố, nguyên Bí thư Thành ủy rất xúc động khi có hơn 2.500 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của Học viện Quân y vào TPHCM cùng người dân và thành phố chống dịch.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng và mong muốn trong chiến lược phát triển sắp tới của Học viện Quân y sẽ đặc biệt nhấn mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đào tạo, quản lý của nhà trường và trong điều trị; qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, đào tạo nghiên cứu khoa học.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 cận kề, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn các thầy thuốc nhiều thế hệ đã đóng góp hết mình cho nền y học nước nhà.
Thượng tá BS. Lê Minh Sanh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện nghiên cứu y học quân sự phía Nam Học viện Quân y thay mặt lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đã từng công tác tại Học viện Quân y phân hiệu phía Nam bày tỏ niềm vui và xúc động trong ngày họp mặt. Theo thượng tá Sanh, Phân hiệu phía Nam đã có nhiều đóng góp chung vào thành tích 75 năm của Học viện Quân y anh hùng. Để có được những thành tích đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ qua các thời kỳ. Phân hiệu phía Nam đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần viết lên truyền thống của Học viện trong 75 năm qua.
Ra đời trong giai đoạn chống thực dân Pháp, Trường Quân y sĩ Việt Nam có số lượng cán bộ, nhân viên và chiến sĩ ít ỏi, cơ sở vật chất nghèo nàn. Bằng trí tuệ và nghị lực, thầy trò, cán bộ và chiến sĩ đã đồng cam cộng khổ, vừa giảng dạy, học tập vừa tham gia chiến đấu, đã đào tạo cho quân đội một đội ngũ thầy thuốc đáp ứng yêu cầu cứu chữa thương bệnh binh trong suốt cuộc kháng chiến. Năm 1957, Trường Quân y sĩ Việt Nam phát triển thành Trường Sỹ quan Quân y, rồi thành Viện Nghiên cứu Y học quân sự vào năm 1962. Tháng 12-1981, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên nhà trường thành Học viện Quân y với 3 nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị.