Khai thêm tuổi để ra chiến trường
Chúng tôi trở lại thăm Trung tá, bác sĩ Ngô Thị Thái Nghiêm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp (TPHCM), người nữ chiến sĩ Điện Biên nay đã ở tuổi 92 nhưng vẫn còn minh mẫn, nhớ như in những năm tháng hào hùng.
Đầu năm 1950, khi khí thế cách mạng cả nước sôi sục, cô nữ sinh người Hà Nội Ngô Thị Thái Nghiêm mới 17 tuổi đã lén khai tăng 1 tuổi cho đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Tháng 10-1953, bà được lệnh hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ để chăm sóc thương binh. Ngày ấy, đường hành quân từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ phải đi bộ hơn 500km. Trên lưng mỗi người phải vác ba lô nặng khoảng 30kg cùng nhiều đồ dùng khác. Tại Đội điều trị số 6, bà được phân công về Khu Trọng thương, mỗi ngày điều trị hàng trăm thương binh nặng của các sư đoàn, đại đoàn chủ lực. Đặc biệt, ngoài việc chăm sóc thương binh của ta, bà và các y, bác sĩ còn phải chăm sóc cả cho các tù binh và hàng binh Pháp bằng tấm lòng nhân đạo cao cả. Suốt 56 ngày đêm ác liệt tại chiến trường Điện Biên Phủ, ngoài mặt trận bão lửa bao nhiêu thì tại Trạm Quân y, công việc cấp cứu thương binh cũng không một phút ngơi nghỉ. Cứ thế, bà và đồng đội miệt mài cứu chữa thương binh cho đến ngày 7-5-1954.
“Gần 2 tháng nằm trong lòng đất, hầm hào bùn lầy, nay tôi đàng hoàng, bình thản ngắm đất trời Điện Biên, hít thở không khí thoáng đãng trên cánh đồng mênh mông. Tôi nghĩ về những hy sinh, bao nhiêu gian khổ của đồng chí, đồng đội, bạn bè thân thiết để có ngày toàn thắng hôm nay. Cứ, Ngọ, Ngạch, Quang, Bồi, Bặc, Dừa, Phúc… không còn được thấy giờ phút vinh quang này. Bọn mình, những người còn sống sẽ mãi ghi nhớ công lao của các đồng chí, những người con yêu quý của Tổ quốc đã ngã xuống cho thắng lợi của chiến dịch lịch sử vĩ đại này”.
(Trích nhật ký của Đại tá Lê Quang Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội C36, đăng trong cuốn Ký ức Chiến sĩ Điện Biên)
Bộ đội trong lòng đồng bào
Những ngày qua, Đại tá Trần Thịnh Tần, Trưởng Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TPHCM, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tất bật cho các cuộc họp mặt, nói chuyện với người trẻ. Những câu chuyện về Điện Biên Phủ hào hùng của ông luôn sôi nổi, cuốn hút giới trẻ tại TPHCM.
Ở tuổi 20, chàng trai trẻ Trần Thịnh Tần bước chân vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau chiến dịch Hòa Bình, ông được phân công lên Điện Biên Phủ. Dù không trực tiếp cầm súng, nhưng “hậu cần đi trước, về sau” đã cho ông những cống hiến khác khi góp sức để có từng lon gạo, tải từng đợt xe lương thực tiếp tế đến chiến trường. Nhất là khi chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển sang thế “đánh chắc, tiến chắc”, công tác chuẩn bị nguồn thực phẩm cho chiến trường càng trở nên hối hả với quy mô lớn. Ông Tần nhớ mãi 10.000 tấn nếp nương của đồng bào Tây Bắc đóng góp cho chiến trường và những ngày cùng nhau xay lúa nếp. Công tác xay xát diễn ra cả ngày lẫn đêm. Mặt trận như trẩy hội.
70 năm đã trôi qua, nhưng ông Tần vẫn nhớ như in những tình cảm như người nhà của bà con vùng Tây Bắc. Đó là những lần ông và đồng đội bị sốt rét, được bà con đồng bào dân tộc chăm sóc bằng lá thuốc. Hay những phần xôi, khoai, chuối bà con tiếp tế “để bộ đội có sức đánh Tây”.
Còn với Đại tá Lê Quang Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội C36, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, nghĩa tình quân dân trong chiến khu đã giúp ông và đồng đội vượt qua bao lần hiểm nguy. “Khi sống trong lòng dân, chúng tôi được dân thương, dân quý. Chính những tình cảm của bà con đồng bào dân tộc đã giúp bộ đội chúng tôi vượt bao khó khăn”, ông Tuấn nhớ lại.
Khoét núi, ngủ hầm
Đại tá Nguyễn Tầm Thường (sinh năm 1930, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) là chiến sĩ của Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, có nhiệm vụ trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày 18-2-1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch Thượng Lào, Đại đoàn 308 được lệnh quay về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Lính xung kích ngoài súng sẽ được trang bị xẻng để đào hào. Chiến sĩ lúc nào cũng mang theo cây xẻng bên mình, hết đứng lại nhoài người ra mà đào, bất kể mưa rừng, gió lạnh. Anh em quyết tâm cao đến độ tôi đã khóc khi thất lạc mất chiếc xẻng của mình. Sau đó, khi đồng đội hy sinh thì tôi cầm xẻng của đồng đội mang theo, đào phần tôi và thay phần đồng đội”, ông Thường chia sẻ.
Tham gia giai đoạn sau của chiến dịch Điện Biên Phủ, với Đại tá Dương Chí Kỳ (sinh năm 1934, ngụ quận 7, TPHCM), hình ảnh lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries, báo hiệu chiến dịch toàn thắng là ký ức không thể quên trong trái tim ông. Năm 1953, ông Kỳ cùng các thế hệ thanh niên theo lời kêu gọi của Bác Hồ, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Ông đã trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Nhiệm vụ của ông và các đồng đội là làm hầm, làm đường hào vào cứ điểm A1, đưa súng cối ra trận địa.
“Chiến sĩ đào các tuyến đường vào đến gần đồi A1, cứ đào như vậy cho đến khi quân ta tổng tiến công. Vị trí của ta và địch khá gần nên chúng có thể xả súng bất cứ lúc nào nếu phát hiện. Đêm đi làm hầm, sáng mai về anh nuôi mang cơm đến mà thấy thừa 5, 3 suất là biết đêm hôm qua bao nhiêu đồng đội hy sinh không về nữa...”, ông Kỳ nghẹn ngào nhớ lại.
Nhớ những ngày “máu trộn bùn non”
70 năm qua, ký ức về những ngày tháng tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn nóng hổi đối với Trung úy, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thanh (sinh năm 1930, ở thôn Trà Bôi, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, hiện ngụ tại khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).
Tháng 12-1953, đơn vị ông được lệnh hành quân về mặt trận Điện Biên và đánh địch hướng Hồng Cúm. Đây là mũi tiến quân có Tiểu đoàn 418 là đơn vị chủ công đánh địch. Ông Thanh lúc đó là pháo thủ cối 81mm, thuộc Trung đội 1, Đại đội 61 (còn gọi là đại đội trợ chiến) thuộc Trung đoàn 57, Đại đoàn 304.
Nhớ lại những ngày trên mặt trận Hồng Cúm, ông Thanh kể, bộ đội rất vất vả, gian khổ và thiếu thốn trăm bề, nhưng ai nấy đều náo nức sớm được trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu diệt địch. Năm 1954, ông vừa tròn 24 tuổi, nặng trên 60kg nên được đưa vào pháo thủ số 1 cối 8, chuyên bỏ đạn vào nòng. Cuối tháng 3-1954, công việc chính của bộ đội là chuẩn bị hệ thống hầm hào. Đến đầu tháng 4-1954, miền Tây Bắc đã có mưa sớm, đi dưới giao thông hào nhiều đoạn lủm bủm nước. Bộ đội đào hào luôn ngày và đêm, chỉ nghỉ giờ ăn cơm. Đào từ trên núi ngay chỗ trú quân xuống đồng bằng bao quanh cứ điểm Hồng Cúm, chỉ còn vài chục mét là chạm địch. Cứ 3 người 1 tổ đào các loại đường hào.
“Mấy tháng trời đào hào nằm hầm “máu trộn bùn non” là thế đó, nhưng ai nấy rất vô tư và lạc quan, chẳng nghĩ đến sống chết là gì. Cứ được sắp đánh địch là hăng hái lắm! Có khi đang ăn nắm cơm vắt của anh nuôi vừa phát thì được lệnh của trung đoàn chuẩn bị pháo cối. Nắm cơm ăn dở đành gói lại và vào vị trí chiến đấu...”, ông Thanh hồi tưởng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, là một trong những người trực tiếp chiến đấu, ông Thanh được Bác Hồ tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”, cùng một chiếc ca đựng nước và một bộ quần áo. Đây là những phần thưởng trong dịp lễ khao quân sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đến năm 1959, ông Thanh được điều về Trung đội thông tin, Cục Thông tin và sau đó chuyển về Căn cứ 1 Hải quân. Năm 1962, ông chuyển ngành về công tác ở UBND tỉnh Quảng Ninh đến khi nghỉ hưu. Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.