Sau ngày 30-4-1975, chúng tôi mới có dịp tìm hiểu một cách đầy đủ về đơn vị. Hóa ra, sau khi Trung đoàn 174 (gốc) hành quân vào Nam bộ (tháng 3-1967) - mật danh là Đoàn A1, cấp trên đã thành lập thêm một Trung đoàn mang phiên hiệu 174 nữa. Cả hai Trung đoàn 174 hoạt động ở hai miền đất nước, có lúc Trung đoàn 174 (gốc) mang phiên hiệu Trung đoàn 2 (Sư đoàn 5) đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của một trong những Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, ra đời từ căn cứ địa Việt Bắc cách nay vừa tròn 70 năm (19-8-1949 - 19-8-2019). Đó là đoàn Cao - Bắc - Lạng.
Đảm nhiệm mũi chủ công
Có lẽ điểm lấp lánh nhất trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của Trung đoàn 174 là luôn được giao nhiệm vụ chủ công trong những trận đánh, những chiến dịch có ý nghĩa then chốt, lịch sử. Gần đây, từ miền Nam, chúng tôi “hành quân” ra căn cứ địa Việt Bắc xưa thăm lại dấu tích của Trung đoàn. Chúng tôi đã đến Đông Khê (Cao Bằng), nơi diễn ra trận đánh then chốt mở đầu chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950.
Ngày ấy, sau khi đánh thắng trận đầu Bông Lau - Lũng Phầy, Trung đoàn 174 được giao chủ công tiêu diệt căn cứ quân sự Đông Khê. Chính nơi đây, ngày 16-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lên đài quan sát trận địa và động viên bộ đội. Bức ảnh lịch sử do nhiếp ảnh gia Vũ Năng An (lúc ấy là phóng viên mặt trận) chụp, nay là báu vật quốc gia, dường như ai cũng biết. Cũng chính trận đánh lịch sử này đã xuất hiện một trong những anh hùng đầu tiên của quân đội ta, đó là anh hùng La Văn Cầu. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, Trung đoàn 174 được giao đánh đồi A1. Chuỗi bộc phá ngàn cân do cán bộ chiến sĩ Trung đoàn cùng lực lượng công binh thực hiện như câu chuyện huyền thoại được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Đến Kon Tum thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi liên hệ với địa phương ghi danh hơn 200 liệt sĩ của Trung đoàn hy sinh trong chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh cách đây hơn nửa thế kỷ. Thân thể các anh đã biến thành đất đai của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Hài cốt không còn và cả tên tuổi các anh cũng chưa được ghi danh trong nghĩa trang liệt sĩ.
Từ Tây Nguyên, chúng tôi xuôi về Bình Phước, nơi diễn ra trận đánh then chốt trong chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ năm 1972. Trong đợt tổng tiến công chiến lược này, Trung đoàn 174 được giao mũi chủ công tiêu diệt chi khu quân sự Lộc Ninh, góp phần giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh, làm cơ sở thành lập thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trước khi Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973) được ký kết, từ miền Đông Nam bộ, Trung đoàn 174 được lệnh hành quân cấp tốc về chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Và thêm một lần nữa, Trung đoàn được giao mũi chủ công tiêu diệt chi khu Long Khốt, một căn cứ quân sự án ngữ nơi cửa ngõ tiến về vùng Đồng Tháp Mười. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt. Để giải phóng được yếu khu mang tính chiến lược này trong vòng 3 năm (1972-1975) đã có hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh, trong đó có 700 liệt sĩ của Trung đoàn 174. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, trong khi Trung đoàn 174 (thuộc Sư đoàn 316) tham gia đánh Buôn Ma Thuột thì Trung đoàn 174 (thuộc Sư đoàn 5) trong đội hình Đoàn 232 tiến công địch ở hướng Tây Nam Sài Gòn. Sau khi hành quân vượt Đồng Tháp Mười, phá tan nhiều đồn bót của địch, Trung đoàn được giao mũi chủ công giải phóng thị xã Tân An.
Đúng 12 giờ 30 ngày 30-4-1975, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn phó Vũ Viết Cam (nay là Thiếu tướng), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 đã cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng của Trung đoàn trên nóc dinh tỉnh trưởng Long An. Hơn 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia (1977-1989), Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công đánh địch trên biên giới từ Ka Tum, Kacher đến Siem Riep, Bát Tam Bang…
Chiếc nôi của tướng lĩnh
Có thể nói, Trung đoàn 174 là một trong những chiếc nôi bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo cho quân đội và đất nước những nhân tài, trong đó có nhiều tướng lĩnh và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, 70 năm qua, kể từ ngày thành lập (19-8-1949), đã có 25 cán bộ xuất thân từ Trung đoàn được phong quân hàm cấp tướng. Trong đó, nhiều đồng chí giữ trọng trách, trụ cột trong quân đội ta như: Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Lương Cường, Trung tướng Đào Trọng Lịch, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Trung tướng Đàm Văn Ngụy, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc, Thiếu tướng Vũ Viết Cam...
Từ chiếc nôi của Trung đoàn, bên cạnh Trung đoàn và hàng chục tập thể đã có 12 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó có những anh hùng đã đi vào lịch sử, thi ca, trang sách như: Bế Văn Đàn, La Văn Cầu, Đàm Văn Ngụy, Lý Văn Mưu, Triệu Viết Báo, Nông Văn Vương, Hoàng Văn Nô, Đèo Văn Khổ...
Để có ngày hôm nay đất nước ta đã trải qua mấy cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh nào cũng có những tình huống phức tạp. Việc sáp nhập, xây dựng thêm các đơn vị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là chuyện bình thường. Nay chiến tranh đã kết thúc, chúng ta có điều kiện để tổng kết chiến tranh, viết sử nhằm bổ sung vào kho tàng lịch sử đánh giặc giữ nước của ông cha ta và cũng là tài liệu giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ nối tiếp. Lịch sử của Trung đoàn 174 cũng vậy. Cần được thực hiện một cách căn cơ, bài bản vừa mang tính khoa học lịch sử vừa mang tính thực tiễn.
Đọc hai cuốn lịch sử của hai Trung đoàn 174 (thuộc Sư đoàn 316 và thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh), chúng tôi ngỡ ngàng bởi hai đơn vị có chung nguồn gốc, nhưng thông tin còn nhiều điểm khác nhau. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng như Tổng cục Chính trị, Viện Lịch sử quân sự... nên phối hợp chỉ đạo để xây dựng bộ sử chung cho Trung đoàn 174 của quân đội ta.