Ông nói: “Nhiều ĐB thắc mắc quy định tính nồng độ như vậy, định lượng như vậy đã đảm bảo cơ sở chưa, phù hợp thực tiễn chưa? Chúng ta có cơ sở từ những thông lệ quốc tế đã có, từ việc kiểm tra thời gian vừa qua... tức là đã có tính toán, có cơ sở thực tiễn, nhưng cơ sở khoa học là chưa thể”.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng các nhà máy điện, xi măng... trong quá trình vận hành đều có khả năng phát sinh bụi, khí thải không gây nguy hại đến môi trường. Việc đồng nhất bụi, khí với “bụi khí có thành phần chất thải nguy hại” sẽ gây khó khăn trên thực tiễn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được.
“Phải tính đến quá trình phát triển và thực tiễn công nghệ hiện nay khi áp dụng Bộ luật Hình sự, có nghĩa là phải tính thời điểm nào đó để áp dụng liều lượng, đặc biệt là quy định xả ra môi trường vượt quy chuẩn với bụi, khí, nước thải. Với liều lượng thế này, 70% khu công nghiệp, nhà máy điện, xi măng sẽ rơi vào phạm vi điều chỉnh của luật”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhận xét.
Về Điều 239 của dự thảo (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam), Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị bổ sung đối tượng là pháp nhân vào điều luật, bởi “vi phạm có cả pháp nhân và cá nhân”.
Ông Trần Hồng Hà cũng đề nghị xem xét tính tương thích của hình phạt tiền trong Bộ luật Hình sự với các luật khác. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có những hành vi vi phạm bị phạt đến 1 tỷ đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì Bộ luật Hình sự đưa xuống có 500 triệu đồng, trong khi đã tính đến xử lý hình sự thì lẽ ra phải nghiêm khắc hơn.