Trong đó, những DN thành lập từ trước năm 2010 có mức lợi nhuận ổn định hơn (chiếm 80%) do đã qua giai đoạn thu hồi vốn và đang sinh lợi nhuận. Còn từ năm 2011 đến nay thì tỷ lệ đạt lợi nhuận ổn định thấp hơn do đang trong thời gian thu hồi vốn.
Đánh giá về xu hướng đầu tư trong năm 2019, có đến 70% các DN Nhật Bản tại Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh, trong đó tập trung mạnh lĩnh vực công nghiệp chế tạo và thương mại, dịch vụ, hệ thống bán lẻ. Đa số DN Nhật Bản đều nhận định, quy mô thị trường và tính tăng trưởng vẫn là lợi thế lớn nhất môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra còn có những yếu tố thuận lợi khác như chi phí nhân công thấp, tình hình chính trị ổn định. Quan trọng hơn, tỷ lệ nhân viên thường xuyên nghỉ việc, cạnh tranh giá thành giữa các DN, thủ tục thông quan, thủ tục hành chính… đã được cải thiện. So với môi trường đầu tư của các nước trong khu vực ASEAN, Tây Nam Á và châu Đại Dương, Việt Nam xếp vị trí thứ 4 nếu xét yếu tố tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí nhân công giá rẻ; vị trí thứ 6 nếu xét ở quy mô và tính tăng trưởng thị trường và đứng vị trí thứ 12 về vấn đề rào cản ngôn ngữ.
Một vấn đề khác, DN Nhật Bản đã và đang tận dụng rất tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Tùy theo FTA mà tỷ lệ DN Nhật Bản tận dụng được lợi thế dao động từ hơn 30% đến gần 70% thuế suất…
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro đầu tư. Trong đó, phổ biến ở yếu tố hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch và khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu nội tại. Hiện tỷ lệ nội địa nguồn nguyên vật liệu sản xuất tại thị trường Việt Nam đã được cải thiện ở mức 23,7% (năm 2008) lên 36,3% (năm 2018), vượt qua Malaysia nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Những DN vốn thuần sản xuất để xuất khẩu cũng đã bắt đầu giảm tỷ lệ xuất khẩu và tăng tỷ lệ tiêu dùng nội tại.
Theo ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại TPHCM, năm 2018, Nhật Bản là quốc gia có số vốn được cấp phép đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, với 7.989 triệu USD thuộc 630 dự án. Khu vực đầu tư của DN Nhật Bản hiện đang có sự dịch chuyển nhất định, thay vì tập trung tại TPHCM, Hà Nội thì đã đầu tư lan rộng ra khu vực lân cận.