Sáng 28-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2017.
Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm đạt 527.310 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu một số nước như Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thái Lan, Trung Quốc… tăng mạnh song một số thị trường khác như Philippines, Indonesia, Ý… xuất khẩu chậm lại. Tuy nhiên, tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TPHCM trong 7 tháng ước đạt 20,1 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ).
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng lên đến 24,2 tỷ USD (tăng 18,1%) so với cùng kỳ. “Đặc biệt, một số ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như sản phẩm điện tử, linh kiện tăng gần 36%, kim loại tăng gần 40%, chất dẻo nguyên liệu tăng gần 18%...”, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh thông tin.
Về lĩnh vực thu, chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 201.950 tỷ đồng (đạt hơn 58% dự toán), tăng hơn 13,6% so với cùng kỳ.
Bà Phan Thị Thắng cũng đánh giá thu nội địa thì kinh tế TPHCM phát triển ổn định và một số khoản thu tăng cao như thu tiền sử dụng đất (gần 11.100 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ), thu thuế thu nhập cá nhân được hơn 8.280 tỷ đồng (tăng hơn 21% so với cùng kỳ), thu từ tiền cho thuê mặt đất mặt nước được hơn 2.980 tỷ đồng (tăng hơn 18% so với cùng kỳ)…
Về nguyên nhân, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng có một số đơn vị có phát sinh tiền sử dụng đất lớn, áp dụng nhiều biện pháp quản lý, thu thuế nên người kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân tăng cao. Ngoài ra, gần đây thị trường bất động sản sôi động nên thu nhập từ tiền lương, tiền công hoa hồng của các cá nhân trong lĩnh vực ngày càng tăng và nguồn thu thuế thu nhập cá nhân tăng lên từ đó.
Trong lĩnh vực công thương, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho biết thêm, 7 tháng đầu năm một số ngành công nghiệp của TPHCM tăng cao so với cùng kỳ như sản xuất xe có động cơ (tăng 29%), thiết bị điện (tăng hơn 25)… “Trong thời gian qua, TPHCM nhập siêu nhưng đây là điều dễ hiểu vì TPHCM còn nhập cho các tỉnh, thành khác. Mặt khác, mặt hàng nhập siêu chiếm chủ yếu là linh kiện phục vụ sản xuất (đạt 78,6%), nghĩa là nhập siêu chủ yếu phục vụ sản xuất chứ không phải nhập siêu phục vụ cho tiêu dùng”, ông Phạm Thành Kiên nói.
Dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên thiếu vốn trầm trọng
Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phân phổ vốn trung hạn giải quyết khó khăn về thiếu vốn ở dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tuy nhiên, qua theo dõi đến nay, Bộ KH-ĐT chưa có văn bản giải quyết. Trong khi đó, do thiếu nguồn vốn nên ở dự án này chủ đầu tư đang thiếu nhà thầu khoảng 500 tỷ đồng. Ông Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị UBND TP xem xét tạm ứng chi trả cho nhà thầu nhằm giải quyết khó khăn này.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, cho biết ngân sách của TPHCM có thể đảm đương tạm ứng được số tiền trên nhưng việc tạm ứng lại vướng về thủ tục, đặc biệt Bộ Tài chính không cho phép. Vì vậy, nếu TPHCM quyết tạm ứng cho dự án thì phải làm việc với Bộ Tài chính.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có hướng giải quyết. Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng. Vì vậy, Sở KH-ĐT phải có văn bản tham mưu cho UBND TP để TP kiến nghị Bộ KH-ĐT sớm thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, bố trí vốn cho dự án này.