TPHCM đang tận dụng hiệu quả mãi lực thị trường nội địa và vận dụng từng bước các cơ chế mới trong nỗ lực tăng tốc những tháng cuối năm, tạo đà “nhảy vọt” cho năm 2025 - năm cuối nhiệm kỳ. 7 tháng qua, thành phố đã khai thác hiệu quả hai trụ cột xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa khi cả hai đều có mức tăng đáng ghi nhận, góp phần vào con số 6,46% tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) - cao hơn mức tăng chung của cả nước (6,42%) và là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Định hướng xây dựng “Thành phố lễ hội - sự kiện” đi cùng một số biện pháp kích cầu đã góp phần quan trọng đẩy mạnh sức tiêu dùng trong các lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Hiệu quả có tính thăm dò khi kết hợp với những điểm mở trong các quyết sách mới (tận dụng từ Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị định 84/2024/NĐ-CP về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM) sẽ tạo động lực để thành phố giải quyết tốt hơn trụ cột còn yếu là giải ngân vốn đầu tư công.
Giai đoạn 2024-2025 được xem là giai đoạn then chốt, đóng vai trò thiết yếu trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, UBND TPHCM xác định 7 nhóm giải pháp cụ thể (trong Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TPHCM đến năm 2025) để thực hiện.
Trước tiên là nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung giải quyết trực diện vấn đề về hấp thụ vốn với vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TPHCM và các Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất, Ban quản lý Khu Công nghệ cao. Trong đó chú trọng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cơ chế chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng, lãi suất, dịch vụ và đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội; tiếp tục tháo gỡ, thúc đẩy khởi công các dự án đã được thành phố cấp chủ trương đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistic, công nghệ số kết hợp nghiên cứu và phát triển (dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 50-70 ngàn tỷ đồng trong năm 2024-2025). Vừa là nhóm giải pháp độc lập vừa mang tính bổ trợ cho nhóm đầu tiên là nhóm giải pháp cải cách hành chính, với yêu cầu đặt ra là phải tích hợp thành một “cẩm nang hướng dẫn” để các sở ban, ngành, địa phương tham chiếu thực hiện.
Ngoài các nhóm giải pháp có tính truyền thống như nhóm giải pháp thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường; nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; nhóm giải pháp bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội, mở rộng quỹ đất cho phát triển, thì nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới đã cho thấy tính năng động của thành phố. Cụ thể, ngoài việc bám sát diễn biến, hoàn thiện quy trình đối với lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM, thành phố đã chú ý đến xu hướng kết hợp chuyển đổi số - chuyển đổi xanh với chương trình “Trăm doanh nghiệp, Vạn đơn hàng, Triệu tài khoản”, cùng nhiều sự kiện, hoạt động thúc đẩy chuyển đổi xanh, Netzero.
Các nhóm giải pháp có mốc thời gian thực hiện từ tháng 7 năm nay đến tháng 10 năm sau, mang tính cấp bách, trọng tâm, thường xuyên, gắn chặt với trách nhiệm phân công, phân quyền của từng bộ phận, cá nhân; đồng thời, bám sát những “căn cốt” của quy hoạch tổng thể TPHCM và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố để vừa giải quyết nhiệm vụ trước mắt của thành phố vừa tiệm cận mục tiêu có tính phổ quát, bền vững của hai bản quy hoạch này.