7% dân số ở các thành phố lớn bị đái tháo đường

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại các thành phố lớn, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường hiện là 7% dân số. Trên toàn quốc, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hoá. 

Theo Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường thế giới (IDF), ước tính khoảng trên 537 triệu người từ 20-79 tuổi đang mắc bệnh đái tháo đường, tương ứng với 10,5% dân số thế giới. Ngoài ra, hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14-11, Liên Chi hội Nội tiết – Đái tháo đường TPHCM phối hợp Câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường tổ chức buổi sinh hoạt thường niên thu hút khoảng 300 người tham dự. Tại đây, người bệnh được tư vấn về vấn đề điều trị đái tháo đường type 2, các biến chứng nguy hiểm do rối loạn lipid máu xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường, các bài thể dục phối hợp luyện thở cho người cao tuổi...

z6020097639240_22fdfa2c6074f06d310c6c546e4fd171.jpg
Các buổi sinh hoạt giúp nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường

Hoạt động trên góp phần lan tỏa và nâng cao nhận thức về đái tháo đường, cách phòng ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm trên, giúp người bệnh có cuộc sống lạc quan hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại các thành phố lớn, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường là 7% dân số và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ. Năm 2020, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%, tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%, hơn 60% người mắc bệnh chưa được chẩn đoán.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe chung của cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, hệ thống phòng chống bệnh đái tháo đường đã hoàn thành mục tiêu khống chế tỉ lệ gia tăng của bệnh đái tháo đường toàn quốc giai đoạn 2020 - 2026 ở mức 7,3% so với chỉ tiêu dưới 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg, ngày 31-7-2017.

Tin cùng chuyên mục