65% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để chuyển đổi xanh

Khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhưng phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME hiện gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính.

Quang cảnh toạ đàm
Quang cảnh toạ đàm

Buổi tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" do Báo Người Lao động tổ chức sáng 19-2.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), mặc dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng suy ngẫm. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhưng phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức.

“Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó. Bên cạnh đó, nhân lực cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tại TPHCM sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), gây cản trở lớn cho quá trình chuyển đổi”, ông Kỳ thông tin.

Trước những thách thức đó, đại diện HUBA kiến nghị cần có những giải pháp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Trong đó, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về phía ngành ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, ngành ngân hàng đã sớm coi trọng chuyển đổi xanh như một phần trong chiến lược phát triển bền vững. Từ năm 2015, Thống đốc NHNN đã ban hành đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, thậm chí trước khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực. Luật này cũng giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng trong việc ban hành hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Đến tháng 8-2024, NHNN đã ban hành quyết định sửa đổi đề án phát triển ngân hàng xanh, cụ thể hơn các nhiệm vụ và giao trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu vốn xanh ngày càng lớn, nhưng để tiếp cận nguồn vốn này, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực và xanh hóa hoạt động để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những thách thức lớn hiện nay là sự lệch pha giữa nhu cầu tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo và nguồn vốn ngân hàng. Các ngân hàng chủ yếu huy động từ nguồn vốn ngắn hạn, trong khi các dự án xanh thường yêu cầu vốn trung và dài hạn. Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống tín dụng. “Nhằm giảm tải áp lực cho các ngân hàng, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hướng tới huy động vốn trên thị trường chứng khoán và các kênh tài chính khác. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp các dự án năng lượng tái tạo tiếp cận nguồn vốn bền vững hơn”, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM nhấn mạnh.

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Vương Thành Long, Giám đốc Ban Kinh tế Vốn và Tiền tệ BIDV cho biết, ngân hàng đã nhận thức rằng, chuyển đổi xanh vừa là áp lực, vừa là cơ hội. Là tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng xanh lớn nhất trong ngành nhưng ông Long cũng nhìn nhận thực tế, quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn và công nghệ hiện đại. Dù lợi ích mang lại là rất rõ ràng, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn, triển khai các công nghệ đo lường phát thải và tuân thủ các tiêu chuẩn quan trắc môi trường.

Theo ông Long, tính đến hết năm 2024, tín dụng xanh của BIDV đạt khoảng 81.000 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tích cực triển khai các chính sách nhằm giảm dần mức tài trợ cho những ngành có phát thải carbon cao như sắt thép, xi măng, phân bón, đồng thời tăng cường hỗ trợ các dự án xanh bằng các ưu đãi về lãi suất và tỷ giá. BIDV cũng đã ban hành danh mục các dự án xanh và xác định mức vốn ưu tiên dành riêng cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn bền vững.

“Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong hệ thống tài chính, Chính phủ và các cơ quan quản lý sớm ban hành danh mục dự án xanh, tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp và ngân hàng có căn cứ rõ ràng trong việc tiếp cận vốn. Khi danh mục này được công bố, Chính phủ có thể dành một phần ngân sách để tái cấp vốn cho các ngân hàng, từ đó tạo động lực để giảm lãi suất và phí cho vay đối với các dự án xanh”, ông Long kiến nghị.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp UOB Việt Nam, cũng cho biết, hiện ngân hàng đang cung cấp các khoản vay xanh với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản vay truyền thống. Các khoản vay này có thể bao gồm tỷ lệ tài trợ cao hơn, lên đến 70% đối với các dự án đáp ứng tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Bên cạnh tài trợ theo dự án, ngân hàng còn hỗ trợ vốn lưu động cho các sáng kiến xanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực thân thiện với môi trường. “UOB đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh và hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong quá trình phát triển bền vững. Nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án xanh mà còn góp phần vào cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Netzero) vào năm 2050 của Chính phủ”, ông Lim Dyi Chang cho hay.

Tin cùng chuyên mục