Trong đó, có 138 doanh nghiệp mới đạt đủ tỷ lệ phiếu bình chọn, 39 doanh nghiệp đạt liên tiếp 22 năm. Tuy nhiên, có 62 doanh nghiệp bị loại khỏi danh sách HVNCLC 2017.
Kết quả này dựa trên cuộc điều tra ghi nhận qua 17.300 phiếu đạt chuẩn, phỏng vấn trực tiếp 13.000 hộ gia đình và người tiêu dùng tại 3.000 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ngoài ra, cuộc điều tra năm nay còn ghi nhận ý kiến bình chọn đánh giá của người tiêu dùng thông qua kênh trực tuyến (online) - đây là căn cứ đối chiếu với kết quả điều tra trực tiếp nhằm đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy của kết quả bình chọn. Danh sách các doanh nghiệp được chọn cũng đã được minh bạch và chuyển cho các cơ quan chức năng địa phương, các ban, ngành thẩm định.
Ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách Ban điều tra cuộc điều tra bình chọn thường niên HVNCLC, cho biết bên cạnh những kết quả bình chọn đạt được, thông qua điều tra lấy ý kiến người tiêu dùng và doanh nghiệp cho thấy xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, 71% - 87% người tiêu dùng được khảo sát chọn mua dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả khảo sát về tốp 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt do Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện cũng cho thấy 2 yếu tố chọn mua sản phẩm có lợi cho sức khỏe hay chọn mua sản phẩm hữu cơ, tự nhiên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn cao nhất (77%), rồi mới đến các yếu tố khác.
Về kênh phân phối thì kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế nhưng xu hướng tiêu thụ đang dịch chuyển sang kênh mua bán hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, kênh mua bán online đã ngày càng rõ rệt, nhất là với giới tiêu dùng trẻ. Trong một báo cáo nghiên cứu của Tập đoàn CBRE tại Việt Nam (một đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường) được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TPHCM và Hà Nội cho thấy 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, trong khi 45% - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính, điện thoại thông minh thường xuyên hơn trong tương lai.
Thực tế thị trường cho thấy, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, nhưng cũng đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại, và đặc biệt quan tâm các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản, nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế vẫn chưa được khai thác hiệu quả tại thị phần nội địa. Một trong những nguyên nhân là do tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập của người tiêu dùng Việt, phần khác là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Đây là một trong những điểm yếu cần được cộng đồng doanh nghiệp Việt quan tâm cải thiện.