Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của MTTQ trong tham gia xây dựng pháp luật, đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc cùng Nhà nước ban hành dự án luật quan trọng này. Từ ngày 3-1 đến nay, sau 2,5 tháng toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng tải để lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi các tầng lớp nhân dân, việc góp ý đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ - một trong những kênh tiếp nhận góp ý văn bản góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đến thời điểm này, đã nhận được hơn 2.000 ý kiến đóng góp.
Còn theo Bộ TN-MT, tính đến trưa 13-3 đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của bộ…
Nội dung góp ý của các tầng lớp nhân dân tập trung vào chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất…
Theo nhiều chuyên gia, những ý kiến tâm huyết của nhân dân đã được đóng góp, nhưng ở đây cũng cần đặt ra trách nhiệm đối với việc tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Nhiều người dân mong muốn những ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc: