Bằng cách tạo ra các trang giả mạo ngân hàng, thanh toán hoặc các trang mạng mua sắm, kẻ xâm nhập có thể cướp thông tin nhạy cảm từ các nạn nhân như tên, mật khẩu, địa chỉ email, số điện thoại, số thẻ tín dụng và mã PIN mà họ không hề hay biết.
Giai đoạn quý II năm 2018 vừa qua đã gây hoang mang cho nhiều người sử dụng dịch vụ tài chính, với 21,1% các cuộc tấn công nhắm vào các ngân hàng, 8,17% vào các cửa hàng trực tuyến và 6,43% vào hệ thống thanh toán - chiếm hơn ⅓ tổng số các cuộc tấn công. Brazil tiếp tục là nước chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số người dùng bị tấn công bởi những kẻ lừa đảo trong quý II năm 2018 (15,51%). Tiếp đến là Trung Quốc (14,44%), Georgia (14,4%), Kirghizstan (13,6%) và Nga (13,27%).
Đáng chú ý gần 60.000 lượt truy cập web lừa đảo từ tháng 4 đến tháng 6 đều có liên quan đến các ví tiền và trao đổi bằng Cryptocurrency (Tiền mã hóa - một loại phương tiện trao đổi kỹ thuật số). Ngoài các loại lừa đảo truyền thống trước đây như lấy cắp tài khoản và mật khẩu bí mật của nạn nhân, bọn tội phạm mạng tìm cách buộc họ phải chuyển các đồng tiền mã hóa một cách độc lập đến cho chúng, một trong những thủ thuật là sự phân bố tự do của tiền Cryptocurrency. Một thủ thuật khác là bọn lừa đảo tài chính khai thác được tên của các dự án ICO (Initial Coin Offering - một hình thức huy động vốn hợp pháp của các startup bằng Cryptocurrency) và kêu gọi quỹ từ các nhà đầu tư tiềm năng. Sử dụng hai thủ đoạn này, theo các ước tính sơ bộ của Kaspersky Lab, những kẻ xâm nhập đã kiếm được ít nhất 2.329.317 đô la Mỹ chỉ trong quý vừa qua và chưa bao gồm bất kỳ khoản thu nhập nào từ các hình thức lừa đảo thông thường. |