Vị trí chiến lược
Tháng 11-1959, Xứ ủy Nam bộ họp hội nghị mở rộng đến các bí thư tỉnh ủy tại căn cứ Bắc Tây Ninh để quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt của Nam bộ nói chung, miền ĐNB nói riêng là “giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh cách mạng của quần chúng làm chính, đồng thời kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền để chống chính sách khủng bố tàn bạo, chính sách bóc lột, vơ vét của Mỹ - Diệm”.
Tháng 1-1960, phong trào Đồng Khởi bùng nổ từ Mỏ Cày (Bến Tre) nhanh chóng phát triển khắp miền Nam và ở ĐNB được đánh dấu bằng chiến thắng Tua Hai - bước phát triển nhảy vọt về trình độ tổ chức chỉ đạo, chỉ huy hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang miền ĐNB. Trong thời gian này, Liên Tỉnh ủy miền ĐNB đã thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ nối thông đường chiến lược từ miền ĐNB với đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn.
Tháng 12-1960, đường chiến lược từ Trung ương vào miền ĐNB và Nam bộ qua dãy Trường Sơn đã nối thông. Để từ đây, miền ĐNB nhận được sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc. Ngày 23-1-1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ, đặt căn cứ tại Chiến khu Đ. Đến tháng 2-1961, tại suối Linh (chiến khu Đ), Khu ủy miền ĐNB chính thức thành lập do đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu.
Ngày 25-10-1967, Trung ương Cục quyết định giải thể Khu ủy miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập “Khu trọng điểm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới. Đến tháng 6-1972, Khu ủy miền ĐNB được tái lập, đứng chân ở Krachê (Campuchia) và sau đó chuyển về lại Chiến khu Đ. Đến tháng 1-1973, Khu ủy cùng các ban Đảng về xây dựng căn cứ dọc theo suối Ràng và suối Sa Mách (Chiến khu Đ) để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng ở miền ĐNB cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Bài học về xây dựng lực lượng
Theo Trung tướng Phạm Văn Dỹ (nguyên Chính ủy Quân khu 7), lịch sử xây dựng, chiến đấu và công tác của Khu ủy miền ĐNB đã để lại nhiều bài học quý giá, đó là: Chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, suốt quá trình tiến hành kháng chiến chống Mỹ, Khu ủy miền ĐNB xuất phát từ thực tiễn đã lãnh đạo xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang (LLVT) ba thứ quân, phát động quần chúng xây dựng lực lượng chính trị và trên cơ sở đó, xây dựng LLVT đi đôi với vũ trang quần chúng rộng rãi; trong LLVT, chú trọng xây dựng cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Là người từng vinh dự được sống, chiến đấu trong những năm tháng ác liệt của chiến trường miền ĐNB, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (nguyên Hội trưởng Phụ nữ miền ĐNB) nhớ lại: Từ sau ngày 8-3-1961 (ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam) thì phong trào của phụ nữ miền ĐNB cũng hòa nhịp với phong trào của phụ nữ toàn miền. Các mẹ, các chị là các chiến sĩ kiên cường, mưu trí tham gia công tác binh vận, đấu tranh chính trị, đào hầm nuôi giấu cán bộ. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của lực lượng 7 xã kéo vào thị trấn Trảng Bàng thu hút 10.000 người tham gia, thu được thắng lợi làm kẻ thù khiếp đảm.
Trong chiến đấu, phụ nữ cũng để lại những tấm gương hy sinh dũng cảm như chị Huỳnh Thị Trọn, nữ Xã đội Phó đầu tiên của huyện Thạnh Đức (Tây Ninh), chỉ huy du kích chống càn cả ngày. Khi hết đạn, chị băng mình giữa làn đạn của địch để xin tiếp tế của đơn vị bạn và tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chiến trường miền ĐNB là nơi đứng chân của nhiều trung đoàn, sư đoàn chủ lực nên việc tiếp tế hậu cần rất lớn.
Ngoài việc cầm súng chiến đấu thì chị em còn tích cực tham gia dân công hỏa tuyến, tải thương phục vụ các chiến dịch Bình Giã, Bàu Bàng, Đồng Xoài, Phước Long, Nhà Đỏ, Bông Trang… và xuất hiện tấm gương liệt nữ như chị Đoàn Thị Liên (Bến Cát, Thủ Dầu Một) làm nhiệm vụ tải thương trong trận đánh cầu Cần Lê (quốc lộ 13), được Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng tuyên dương Anh hùng liệt sĩ.
Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (diện tích khoảng 28ha) được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1997 và đến năm 2001 được đầu tư tôn tạo gồm các hạng mục chính như hệ thống giao thông hào, hệ thống địa đạo liên hoàn, hệ thống hầm trú ẩn, nhà làm việc của lãnh đạo Khu ủy… Đây là nơi Khu ủy miền và Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ huy LLVT phối hợp với quân chủ lực miền làm nên những chiến công vang dội như diệt chi khu Hiếu Liêm, mở chiến dịch Bình Giã thắng lợi và đặc biệt là chiến dịch đường 14 Phước Long từ 14-12-1974 đến 6-1-1975, giải phóng tỉnh Phước Long. |