6 tháng TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông

Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông, làm chết 304 người và bị thương 1.147 người...

 

6 tháng TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông
6 tháng TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông

Chiều 20-7, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Ban An toàn giao thông chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP. 

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông (bao gồm va chạm giao thông), làm chết 304 người và bị thương 1.147 người (So với cùng kỳ năm 2018, giảm 115 vụ TNGT; giảm 39 người chết và giảm 68 người bị thương).  

Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn thành phố có 16 điểm đen tai nạn giao thông nhưng 6 tháng đầu năm 2019 đã phát sinh thêm 5 điểm mới.

Về tình hình ùn tắc giao thông, 6 tháng đầu năm 2019, không xảy ra ùn tắc giao thông trên 30 phút. Tuy nhiên tình trạng ùn ứ vẫn còn xảy ra tại khu vực trung tâm thành phố, tại các địa điểm tổ chức lễ hội, khu vực sân bay, bến xe, nhà ga, các cửa ngõ ra vào thành phố trong các dịp lễ, tết dẫn đến tình trạng phương tiện ùn ứ cục bộ kéo dài, di chuyển chậm.

6 tháng TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông ảnh 1 Tình trạng kẹt xe tại khu vực sân bay vẫn còn tiếp diễn
Để hạn chế việc mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và kéo giảm các khu vực kinh doanh, mua bán tự phát, UBND một số quận huyện đã tăng cường chỉ đạo việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn giá, siêu thị, nhằm phục vụ nhu cầu và thay đổi thói quen mua sắm của người dân, sắp xếp lại các tuyến đường bán hàng rong…
Ngoài ra, nhiều quận-huyện đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý địa bàn theo mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”. Qua đó, công tác giám sát, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm về trật tự lòng đường, vỉa hè được phát hiện và xử lý kịp thời, đồng thời có sự giám sát, đánh giá của người dân về kết quả xử lý.
6 tháng TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hộ nghị
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, ghi nhận những nỗ lực của các tập thể, cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2019, đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tốt hơn nữa kết quả đạt được trong những tháng cuối năm 2019.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, tình trạng ATGT trên địa bàn TP vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục. Cụ thể, một số dự án giao thông trọng điểm triển khai còn chậm, tình trạng ngập nước còn diễn ra nhiều nơi đã tác động tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông; Số người chết do tai nạn giao thông có giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao (quận 9, 12, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Củ Chi, Cần Giờ); Ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp; Lề đường, vỉa hè bị tái lấn chiếm vẫn còn diễn ra và chưa thật sự có giải pháp căn cơ và hữu hiệu.
6 tháng TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông ảnh 3 Cầu vượt thép nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố
Trong 6 tháng cuối năm, để đảm bảo thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành, quận- huyện tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau: Thường xuyên rà soát và triển khai các giải pháp xử lý hiệu quả 19 điểm đen tai nạn giao thông, vị trí mất an toàn giao thông; Mở các đợt cao điểm, phối hợp liên ngành tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất kích phích, vi phạm tốc độ, điều khiển phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật…; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, hạng mục giao thông trọng điểm, cấp bách tại các khu vực như cảng, bến, khu vực trung tâm, các cửa ngõ ra vào thành phố; Tổ chức kết nối các phương thức vận tải, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng; Khẩn trương hoàn chỉnh đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”.

Bên cạnh đó cần rà soát 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, phấn đấu đến cuối năm xóa từ 2 - 3 điểm (tập trung ở các khu vực khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái); Tăng cường phối hợp kiểm soát, xử lý đối với 7 điểm không có chuyển biến, đảm bảo không để phát sinh mới; Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP”; Triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn TP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe...; Thực hiện quản lý hồ sơ điện tử của người lái xe, quản lý phương tiện và triển khai thực hiện quy chế phối hợp cung cấp thông tin giữa Công an thành phố và Sở GTVT trong quản lý người lái xe, quản lý phương tiện.

6 tháng TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông ảnh 4 Nhiều xe khách vẫn ngang nhiên đậu dưới lòng đường để đón, trả khách
Đồng thời Chủ tịch UBND các quận - huyện cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách; Kiên quyết không để phát sinh phức tạp về tình hình “xe dù”, “bến cóc” trên địa bàn quản lý.

Tình trạng tái lấn chiếm lòng đường vẫn xảy ra ở nhiều nơi, vì vậy, cần có sự điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế tình hình địa phương, có giải pháp, phương án lập lại trật tự đối với từng tuyến, đoạn đường cụ thể. Đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý địa bàn; Xây dựng, định hướng và duy trì hoạt động của mô hình tổ, nhóm nhân dân tự quản về trật tự lòng đường, vỉa hè.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo giám sát đối với chính quyền cùng thực hiện trong công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, kịp thời kiến nghị giải quyết những vấn đề phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong đoàn viên, hội viên và các tổ chức dân cư ở cơ sở; Đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình nhân dân tự quản về trật tự lòng đường, vỉa hè hên địa bàn thành phố.

Theo Ban An toàn giao thông, để đảm bảo ATGT tích cực hơn, TP cần tiến hành các giải pháp cụ thể như sau:

Đầu tiên là tập trung đầu tư các dự án, công trình giảm ùn tắc giao thông, khép kín các tuyến đường vành đai, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác kết câu hạ tầng giao thông.

Thông xe 4 công trình - hạng mục công trình gồm: Nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn thuộc dự án Xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn; Nhánh N4 và đường Phạm Hùng (phần cải tạo) thuộc dự án Xây dựng cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt, quận 5, quận 8; Đường số 12, quận Thủ Đức; Công trình Cải tạo dốc cầu Phạm Văn Chí, quận 6.

Đề xuất UBND TPHCM về việc đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái và xây dựng đường liên tỉnh lộ 25B (giai đoạn 2).

Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như: Nhánh N2 thuộc dự án Xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương; Nâng cấp, mở rộng cầu Chữ Y; Nâng cấp, mở rộng cầu Kênh Tẻ,... Đồng thời phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, cấp bách.

Thanh tra Sở GTVT thành lập Đoàn kiểm tra hiện trường về tình hình rào chắn, thi công công trình thiết yếu để đánh giá việc chấp hành về phương án tổ chức phân luồng giao thông, các biện pháp bảo đảm ATGT, vệ sinh môi trường, hệ thống biển báo, rào chắn thi công, tái lập mặt đường.

Tăng cường kiểm tra giám sát quá trình triển khai công tác thi công trên đường bộ đang khai thác nhằm đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị, trong đó tập trung vào việc xử phạt nghiêm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan. (6 tháng đầu 2019 đã phát hiện và lập biên bản 447 vụ với số tiền xử phạt là 2,4 tỷ đồng.

Xử phạt trên 120 tỷ đồng 


Đối với lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố đã lập biên bản xử lý 227.795 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ; ra quyết định phạt 154.204 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu trên 79 tỷ đồng; Lĩnh vực giao thông đường thủy phát hiện và ra quyết định xử phạt 10.715 trường hợp vi phạm, phạt trên 5 tỷ đồng.

Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và xử lý tổng cộng 5.042 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa với tổng số tiền xử phạt hơn 23 tỷ đồng; Kiểm soát tải trọng phương tiện đã phát hiện và xử lý tổng cộng 901 vụ vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép, với tổng số tiền phạt là 14,1 tỷ đồng…

Tin cùng chuyên mục