6 tháng đầu năm, kinh tế số tăng trưởng 22,4%, tỷ trọng trong GDP ước đạt 18,3%

Chiều 10-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 9 của ủy ban và tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

9fd768824560e73ebe71.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chiều 10-7. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đề án 06 của Chính phủ là đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, hiện đang được triển khai sâu rộng trên cả nước.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". Nhiệm vụ quan trọng hiện nay như thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số. Trong đó, Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những "điểm sáng", "mô hình hay" của chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, Thủ tướng đề nghị nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào), xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, với dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).

Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

4632e428c9ca6b9432db.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm đạt trên 97.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08% (tăng 9,67% so với cuối năm 2023), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ; doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp so với mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 104,9%).

Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online.

Đến nay, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 84% (tăng 3,2% so với cuối năm 2023 là 80,8%).

Tin cùng chuyên mục