Chiều 11-7, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa X, Giám đốc Sở Sở LĐTB-XH Lê Văn Thinh đã thông tin về công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố và kết quả thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững.
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH, 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 496 trường hợp là trẻ em, người lang thang ăn xin trên địa bàn (280 người từ các tỉnh thành, 152 người tại TPHCM và 64 người nước ngoài). Trong đó, có 56 người mắc bệnh tâm thần.
Theo ông Lê Văn Thinh, so với cùng kỳ năm 2022, số người lang thang xin ăn tăng 4 lần. Việc này cho thấy tác động to lớn của dịch Covid-19 lên đời sống người dân, người dân khó khăn tập trung về TPHCM nhiều hơn.
UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 812/QĐ-UBND về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã nêu rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác và trách nhiệm của Sở LĐTB-XH, ngành Công an TPHCM, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, các xã, phường, thị trấn.
Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Văn Thinh báo cáo về công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thời gian tới, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ tiếp tục ban hành các văn bản và xây dựng kế hoạch phối hợp với các phường, xã, thị trấn giám sát, kiểm tra về công tác tập trung, xử lý tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn, xử lý và lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Ông Lê Văn Thinh đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn kiên quyết, thường xuyên thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang, xin ăn tại các tuyến đường.
Về việc thực hiện Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND về Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021–2025, ông Lê Văn Thinh cho biết đến cuối năm 2022, TPHCM còn lại 39.381 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 155.764 nhân khẩu. Như vậy, qua 2 năm thực hiện, TPHCM đã giảm 17.751 hộ nghèo, kéo giảm được 0,7%), 11.101 hộ cận nghèo kéo giảm được 0,43%).
Theo ông Lê Văn Thinh, kết quả này là từ sự chăm lo các chính sách, giải pháp hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố, vận động xã hội hóa trong nhân dân và nhất là sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cũng theo Giám đốc Sở LĐTB-XH, từ năm 2021, TPHCM gặp khó khăn trong việc bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm từ ngân sách thành phố. Đến nay, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã đưa cơ chế tháo gỡ nội dung khó khăn này. Theo đó, Sở LĐTB-XH đang tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND.
Khi HĐND TPHCM thông qua sẽ bố trí ngay được vốn vay cho 14.250 hồ sơ đang tồn đọng ở các ngân hàng chính sách xã hội với số vốn đề nghị vay 1.047 tỷ đồng. Sở LĐTB-XH cũng sẽ tích cực triển khai, nhận hồ sơ vay ở các phường, xã, thị trấn.
|
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ chiều 10-7, ĐB Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) đã đề cập Chương trình Giảm nghèo bền vững của TPHCM trong giai đoạn 2021-2025. ĐB đề nghị, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chương trình này trong 2 năm qua, đặc biệt sau khi có Nghị quyết 13 của HĐND TPHCM.
ĐB cũng cho biết người dân TPHCM quan tâm đến nguồn vốn vay ưu đãi và các chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế. Từ đó, ĐB đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường thông tin để hạn chế thấp nhất việc người dân gặp khó khăn rơi vào bẫy "tín dụng đen".
Còn ĐB Lê Minh Đức, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM nêu tình trạng lợi dụng, ngược đãi, xâm hại trẻ em, người khuyết tật để trục lợi trên địa bàn TPHCM. ĐB cho rằng, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa có hướng giải quyết căn cơ và đề nghị các cơ quan chức năng phải có giải pháp xử lý dứt điểm.