Thời điểm tốt để Hậu Giang “cất cánh”
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng: “Đây là sự kiện nhằm quảng bá các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của Hậu Giang trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch để thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng thực hiện các dự án. Đồng thời, hội nghị là một kênh xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh.
Ngoài ra, hội nghị còn là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phù hợp đối với Hậu Giang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua hội nghị này, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hậu Giang mong muốn lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó có những hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả”.
ĐBSCL đang được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Mới đây, nhất ngày 2-4-2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước khác vào Việt Nam; ở trong nước có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành ĐBSCL. ĐBSCL vừa được quan tâm đầu tư, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất nên tỉnh Hậu Giang đang có điều kiện phát triển tốt.
Với vị trí là trung tâm của tiểu vùng Nam Sông Hậu nên Hậu Giang đã được thừa hưởng những thuận lợi đó. Năm 2022, tỉnh chọn là năm Doanh nghiệp với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.
Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Đây là thời điểm tốt nhất để Hậu Giang "cất cánh".
Gần 10 tỷ USD cam kết đầu tư vào Hậu Giang
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hậu Giang đạt 11% (cùng kỳ là 5,99%), đứng thứ 8 cả nước và cao nhất vùng ĐBSCL. Hậu Giang đang hoạch định chiến lược, tầm nhìn, quyết tâm đột phá, khát vọng để đưa Hậu Giang vươn lên mạnh mẽ.
Hậu Giang chọn các đột phá chiến lược là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp. Hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường; hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Chú trọng triển khai đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng.
Hậu Giang quyết tập trung phát triển 4 trụ cột, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch. Trong đó, nông nghiệp là trụ đỡ và công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, lan tỏa - là trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách.
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: “Tin vui là, trước thềm hội nghị xúc tiến đầu tư đã có một số dự án đủ các điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn cam kết gần 20.000 tỷ đồng. Và có nhiều dự án đã đủ các điều kiện để ký kết biên bản ghi nhớ và hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh với vốn đăng ký trên 220.000 tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ USD. Hầu hết các dự án này hướng vào 4 lĩnh vực mà tỉnh mời gọi đầu tư, đó là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Đây chính là những nền tảng vững chắc để tỉnh hiện thực hóa Nghị quyết phát triển 4 trụ cột và hiện thực hóa chương trình hành động nâng tầm phát triển Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực trong giai đoạn phát triển mới.
Hậu Giang xác định: Để thu hút đầu tư thành công phải trên cơ sở bảo đảm hài hòa 3 lợi ích đó là: người dân, doanh nghiệp, nhà nước. Với Nghị quyết phát triển 4 trụ cột, Hậu Giang ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp chế biến nông sản và đầu tư nông nghiệp sinh thái. Tỉnh xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, quan điểm rất rõ là các doanh nghiệp sản xuất thì ưu tiên các doanh nghiệp đáp ứng 3 tiêu chí: sử dụng lao động địa phương, đóng góp nhiều cho ngân sách, công nghệ thân thiện môi trường. Đồng thời, tỉnh có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và doanh nghiệp có thế mạnh trong xây dựng các khu đô thị hiện đại.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT và đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng các doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại Hậu Giang đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, đưa ra những gợi ý để Hậu Giang đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, tỉnh Hậu Giang đã làm tốt về kêu gọi đầu tư vào địa bàn, là điểm đến hấp dẫn và an toàn. Hậu Giang cần chuẩn bị tốt hơn nửa về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để đón đầu các dự án dịch chuyển từ nước ngoái và các địa phương lơn về ĐBSCL. Bộ KH-ĐT cam kết đồng hành cùng tỉnh trong tăng cường phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng hành cùng Hậu Giang phát triển bền vững theo phương châm các bên cùng có lợi.