6 tác giả đoạt giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế”

Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần thứ 5 đã đăng tải 76 bài hiến kế của các tác giả, ban tổ chức đã trao 6 giải cho các tác giả, nhóm tác giả gồm 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.

z5845296597087_5afbb7bf20c9520fd76f791fccea56eb.jpg
Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao giải đến các tác giả đoạt giải Nhì. Ảnh: H.T

Sáng 18-9, Báo Người Lao Động tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 5.

Cuộc thi bắt đầu từ ngày 2-9-2023 đến ngày 15-8-2024, với 3 chủ đề chính gồm “Làm gì để Cần Giờ trở thành một động lực mới phát triển TPHCM”, “Giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM” và “TPHCM cần làm gì để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98?”.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân, cho biết cuộc thi đã nhận được nhiều bài thi có chất lượng cao và đăng tải 76 bài hiến kế đầy tâm huyết của các tác giả. Mỗi tác phẩm chứa đựng những kế sách, giải pháp, ý tưởng hay đóng góp cho sự phát triển và nỗ lực không ngừng vươn lên của TPHCM.

Thời gian tới, ban tổ chức không ngừng cải tiến, đổi mới để cuộc thi ngày càng hấp dẫn, chất lượng hơn. Đồng thời, tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để những ý tưởng tốt nhất, khả thi nhất sẽ được hiện thực hóa, mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

z5845296606392_79f2b306a04acdec866ff195b2f8f227.jpg
Các tác giả đoạt giải Ba. Ảnh: H.T

Tại chương trình, ban tổ chức đã công bố và trao giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần thứ 5 (không có giải nhất) gồm: 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Những tác phẩm đoạt giải đều đáp ứng các tiêu chí phù hợp với chủ đề; góc nhìn mới và tính logic; đề ra các giải pháp có tính khả thi; có khả năng ứng dụng thực tế.

Dịp này, ban tổ chức phát động cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 6. Cuộc thi lần này, sẽ tập trung vào 2 chủ đề “Đột phá phát triển giao thông xanh, môi trường xanh tại TPHCM” và “Kinh tế số: Động lực cho sự phát triển bền vững của TP HCM”.

Ban Tổ chức bắt đầu nhận bài tham dự cuộc thi từ ngày 20-9-2024 và dự kiến trao giải vào dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9-2025.

Cần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong quản lý đô thị

Ngày 19-9, phát biểu tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TPHCM” do báo Người Lao Động tổ chức, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, nhấn mạnh, thách thức lớn nhất hiện nay của chuyển đổi số ở TPHCM cũng như cả nước là nền tảng dữ liệu. Vì vậy, TPHCM cần xây dựng hệ thống dữ liệu cần thiết cho từng lĩnh vực, từng ngành. Từ hệ thống dữ liệu đó, số hóa và triển khai cho từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, cần có những quy định tương thích để ứng dụng số hóa.

Bên cạnh đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận về chuyển đổi số trong quản lý đô thị, phải tận dụng công nghệ để tiết kiệm nhân sự. Cùng với đó là thay đổi về cách thức xử lý công việc, số hóa dữ liệu.

2c59d38b758dd3d38a9c.jpg
TS Trần Du Lịch trao đổi tại tọa đàm

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Trường Đại học Việt Đức, cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay của TPHCM là tăng cường nhận thức tại các cơ quan ra quyết định đầu tư giao thông. Điều này giúp cho quá trình quản lý kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hằng năm cho lĩnh vực giao thông và giao thông thông minh sẽ thay đổi.

Theo chuyên gia, TPHCM cần có quy hoạch tổng thể về giao thông thông minh, xác định được tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp, lộ trình để tránh lãng phí. Từ đó, tập hợp được nguồn lực đầu tư, tạo ra đột phá trong quá trình triển khai. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác đầu tư công – tư (PPP) để tạo ra những giá trị mới. Đồng thời, cần có những chương trình thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các dự án lớn về giao thông thông minh.

z5845603250328_203f202edc5cb3004d71fb0a0900b615.jpg
Quang cảnh tọa đàm

Cũng theo ông Vũ Anh Tuấn, TPHCM cần giải quyết 3 vấn đề cốt lõi thì sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn. Đó là thay đổi tư duy quản lý nhà nước theo quản lý số; nâng cao cơ sở dữ liệu, chất lượng dữ liệu; có cơ chế chính sách hấp dẫn hơn nữa để thu hút tư nhân đầu tư vào các công nghệ số, dữ liệu số.

Tin cùng chuyên mục