Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ TPHCM đã thông tin về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo đó, hiện TPHCM có 6 đơn vị cấp huyện (quận 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận) và 149 đơn vị cấp xã chưa đảm bảo tiêu chí diện tích và dân số. Trong 149 đơn vị cấp xã, có 7 đơn vị hành chính đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, có 4 trường hợp đặc thù không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính. Do đó, Sở Nội vụ đang phối hợp với 22 quận huyện và TP Thủ Đức để tiến hành rà soát các đơn vị hành chính thuộc trường hợp đặc thù để không tiến hành sắp xếp.
Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có 1 trong 4 yếu tố đặc thù thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp gồm:
- Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề;
- Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào;
- Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Cũng tại cuộc họp, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị, UBND TP Thủ Đức Lưu Trọng Nghĩa đã thông tin về công tác chuẩn bị kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng trên địa bàn TP Thủ Đức khi thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Theo ông Lưu Trọng Nghĩa, Thành ủy TP Thủ Đức đã ban hành nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15; UBND TP Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện với các nhóm nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu xây dựng các đề án, chương trình cụ thể triển khai có hiệu quả nghị quyết này.
Về việc kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng, ông Lưu Trọng Nghĩa cho biết, UBND TP Thủ Đức đang hoàn thiện đề án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức giai đoạn 2025-2030 và sau năm 2030.
Trong đó, TP Thủ Đức tập trung phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dự án kết nối vùng, kết nối các hạ tầng hiện hữu. TP Thủ Đức cũng xây dựng danh mục các công trình, phân kỳ đầu tư theo lộ trình đầu tư cụ thể gắn với việc tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15. TP Thủ Đức dự kiến rà soát và đưa ra danh mục dự án ưu tiên, cấp bách để thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trước mắt, TP Thủ Đức kiến nghị phối hợp Sở GTVT TPHCM thực hiện nhanh việc đầu tư mở rộng Quốc lộ 13 qua địa bàn TP Thủ Đức. Đồng thời, TP Thủ Đức chuẩn bị các bước kêu gọi đầu tư các dự án ưu tiên, cấp bách như Dự án nhà máy xử lý chất thải Thủ Đức 1; Dự án xây dựng đường nối Vành đai 3; Dự án Trung tâm chẩn đoán y khoa và điều trị ngoại trú; Dự án bệnh viện đa khoa khu vực ở phường Phú Hữu; Dự án trường THCS Linh Xuân; Dự án nhà máy xử lý chất thải 2.
Ngoài ra, TP Thủ Đức rà soát thêm các dự án khác và tiếp tục thực hiện nhanh chóng các thủ tục để kêu gọi đầu tư.
“Bên cạnh việc sử dụng nguồn ngân sách thì việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là rất quan trọng trong điều kiện nguồn lực của thành phố còn nhiều khó khăn”, ông Lưu Trọng Nghĩa nói.