6 năm thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM: Thời gian đủ dài để thấy hiệu quả

Hôm nay 15-7, UBND TPHCM tổng kết hoạt động sau 6 năm thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP); đồng thời đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác kết quả đạt được trong quá trình tổ chức hoạt động của ban.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM, về những mặt được, chưa được của ban trong 6 năm qua và lộ trình hoạt động thời gian tới.

Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

- PHÓNG VIÊN: TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP. Bà có thể cho biết những kết quả đạt được trong 6 năm thí điểm vừa qua?

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Năm 2016, Thành ủy, UBND TPHCM đã tin tưởng, đề xuất gom các lực lượng thành một cơ quan hoàn chỉnh để giải bài toán làm sao đảm bảo ATTP cho 13 triệu dân của thành phố. Đến cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép và quyết định thành lập Ban quản lý ATTP, lấy lực lượng chính từ 3 sở: Y tế, NN-PTNT và Công thương. 

Từ 468 nhân sự ban đầu, Ban ATTP đã xây dựng lực lượng thành mô hình. Ngoài các bộ phận chuyên môn còn có lực lượng tập trung cho công tác thanh tra ở tuyến quận, huyện. Đội ngũ thanh tra này tăng cường chuyên môn cho quận, huyện nhưng vẫn là lực lượng thanh tra thống nhất quản lý một đầu mối của ban. Các đội quản lý ATTP là cánh tay nối dài của ban trong việc giám sát, xử lý, phòng ngừa các nguy cơ về ATTP; lấy mẫu, tập huấn kiến thức ATTP. 

Sau một thời gian hoạt động, phương châm của ban là thực hiện song song “xây thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn”; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng và cải cách hành chính. Có thể nói, 6 năm qua, bước đầu ban đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

- Cụ thể của việc “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn” trong thời gian qua mà ban thực hiện là gì, thưa bà?

Ban đã tiến hành xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, thành dựa theo tiêu chí thực phẩm sạch của ngành nông nghiệp như Global GAP, Viet GAP… Bên cạnh đó, cải thiện hệ thống phân phối cho cả hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng của thực phẩm. 

Ban đã tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra ở các cơ sở để có chế tài xử phạt phù hợp; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, tăng cường tập huấn, nhận thức cho cán bộ phụ trách, quản lý bằng tập huấn, truyền thông. Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm sự hài lòng của người dân, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình xử lý hồ sơ, người dân có thể ngồi nhà làm trực tuyến, hoặc gửi qua bưu điện, không mất nhiều thời gian. 

- Trong 6 năm qua, hoạt động của ban gặp những khó khăn gì?

Trong 6 năm làm được khối lượng công việc đáng kể, chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nhưng cũng gặp không ít khó khăn về cơ chế, pháp lý khi chỉ mới là mô hình thí điểm. Biên chế ngày càng cắt giảm, trong khi yêu cầu công việc ngày càng tăng. Cùng với đó, thực trạng sản xuất kinh doanh thực phẩm còn nhỏ lẻ, manh mún; các hành vi vi phạm, gian lận xảy ra rất khó quản lý; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bảo đảm vệ sinh ATTP trong quy trình từ trang trại đến bàn ăn cũng còn nhiều vấn đề. 

Dù đã có Luật ATTP nhưng có đến 3 bộ phụ trách, mỗi bộ lại có một cách quản lý khác nhau, việc liên thông để không bị bỏ sót, chồng chéo rất khó. Nhiều quy định còn lỏng lẻo, như danh mục kháng sinh cấm dùng trong nông sản khác nhau giữa ngành y tế và nông nghiệp; quy định xử phạt khó khăn liên quan đến thực phẩm tươi sống phải có kết quả xét nghiệm mới đủ cơ sở để xử phạt… Việc quản lý ATTP do 3 bộ quản lý nhưng sự phối hợp khó. Khi xảy ra sự việc thì chậm trễ trong xử lý và quay lại đổ lỗi cho nhau. 

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Chúng tôi xác định, trong thời gian thí điểm đã làm tốt nhưng nếu được thành lập chính thức thì chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn, công bằng hơn.
- Để có thể quản lý tốt hơn vấn đề ATTP thời gian tới, theo bà, cần làm gì?

Công tác bảo đảm ATTP là công tác quan trọng, cần một cơ quan thống nhất, nâng tầm hơn về mặt quản lý, vai trò, điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Nếu có mô hình chính thức với những quy định rõ ràng hơn trong xử lý vi phạm, trong tham mưu thì ban sẽ phát huy được tốt hơn. Bên cạnh đó, khi làm việc với các quận, huyện sẽ thuận lợi hơn nhiều, có tư cách thay mặt UBND tiến hành phối hợp, phát triển chuỗi thực phẩm với các tỉnh, thành… Khi xảy ra vấn đề về ATTP sẽ có một cơ quan để chất vấn, tham mưu ngay lập tức; tổng hợp lại cơ sở pháp lý, chuyên môn để xử lý, tránh trường hợp đưa công văn đi khắp nơi, đến khi xử lý thì trễ. 

TPHCM là địa phương đặc biệt vì quy mô lớn với số lượng dân cư, mức độ phức tạp vượt quá mức cấp tỉnh, nhưng số lượng cán bộ lại quá ít, phải theo tiêu chuẩn. Mỗi tỉnh, thành đều có đặc thù nhưng TPHCM cần có một cơ quan quản lý ATTP tương đương sở - ngành để quản lý toàn diện công tác ATTP. Chúng tôi nhận thấy cần có sự đột phá, nếu hài lòng với hiện tại sẽ rất khó. Thí điểm có thể thành công hoặc thất bại và 6 năm thí điểm là đủ để nhìn thấy hiệu quả của mô hình.

Tin cùng chuyên mục