Ngày 27-10, tại Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của người làm báo Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho biết, sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực những người làm báo và toàn xã hội. Với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, và chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn.
Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí. Đặc biệt, Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới như: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; Việc phân định báo và tạp chí; Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; Quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; Hoạt động liên kết báo chí...
Đồng thời, có những vấn đề mới phát sinh khi triển khai thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng MXH cần phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung để giúp cho hội viên – nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng Tạ Đình Nghĩa cho biết, qua 6 năm thực hiện Luật Báo chí gắn với Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, 3 năm triển khai Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; đặc biệt là gắn với Chỉ thị 37-CT/TW và sau đó là Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, đã góp phần minh chứng phần nào về chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp hội trên địa bàn, nhất là trong giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên nhà báo. Bên cạnh đó, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với các cơ quan báo chí địa phương và tổ chức Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng ngày càng được cải thiện, vị thế, vai trò của tỉnh hội được nâng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế về kinh phí hoạt động thường xuyên, về nhân sự và cơ sở vật chất, trong thực trạng công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trong đó có vấn đề nâng chất đội ngũ người làm báo địa phương đảm bảo yêu cầu truyền thông đại chúng trong giai đoạn mới.
Vai trò của Hội Nhà báo ở địa phương trong việc tham gia ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước về quy hoạch, phát triển, chỉ đạo, quản lý báo chí cũng như việc bổ nhiệm, đề bạt, miễn nhiệm, điều động nhân sự lãnh đạo, cán bộ quản lý các cơ quan báo chí còn mờ nhạt, chưa thật sự được quan tâm đúng mức và càng chưa phù hợp các yêu cầu, quy định của Bộ ngành trung ương, pháp luật Nhà nước.
Việc tham mưu xây dựng, bổ sung các quy định, chính sách về báo chí của địa phương; kiểm tra, thanh tra, đề xuất xử lý các cơ quan báo chí, cán bộ và nhà báo vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí còn chưa đồng bộ và thường xuyên, thiếu thông tin cho các đơn vị phối hợp (trong đó có Hội Nhà báo tỉnh) kịp thời để có những giải pháp, đề xuất thỏa đáng.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng Tạ Đình Nghĩa kiến nghị các cấp ngành có thẩm quyền thể chế hóa các quy định liên quan đến tổ chức hội nhà báo ở địa phương cả về biên chế, chế độ chính sách đối với người làm công tác hội và điều kiện tài chính, cơ sở vật chất cũng như vai trò, trách nhiệm, quyền hạn trong hoạt động việc tham gia giám sát phản biện xã hội của hội nhà báo các cấp, theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật Báo chí. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo tỉnh phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội, các nhà báo - hội viên thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân… theo đúng định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật Báo chí cũng cần có những điều khoản nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội Nhà báo Việt Nam các cấp trong công tác xây dựng chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; công tác tham mưu xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí cũng như xây dựng và thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh.
Đề nghị cơ quan chức năng thuộc các Bộ, Ban ngành được giao chủ trì các mặt công tác liên quan đến lĩnh vực báo chí, hội nhà báo chủ động tăng cường mối quan hệ phối hợp, có kiểm tra, đôn đốc các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý báo chí ở địa phương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị |
Theo báo cáo, trong 6 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có hơn 100 cuộc giám sát các tổ chức hội, kịp thời nắm bắt được tình hình chấp hành, thực hiện Điều lệ hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các cấp hội, hội viên, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức hội để lãnh đạo hội có những chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 6 vụ việc liên quan đến 7 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật tại Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật, Báo Điện Biên Phủ và vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ban hành 3 quyết định khai trừ, thu hồi thẻ 4 hội viên vi phạm pháp luật năm 2022, đến nay đã có bản án thi hành có hiệu lực pháp luật.
Cũng tại hội nghị, đại diện hội nhà báo 19 tỉnh, thành phố miền Nam cùng các đại biểu tham dự đã có các ý kiến trao đổi tâm huyết, sâu sắc. Các tham luận tập trung vào các chủ đề nóng như làm thế nào để nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo từ thực tế hoạt động báo chí ở địa phương…