Theo đó, tập trung rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất kinh doanh và người lao động. Hiện Bộ Công thương đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ và thời gian hỗ trợ với tổ chức, DN, người dân theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và gói 26.000 tỷ đồng dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19. Đồng thời khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ DN, hộ sản xuất kinh doanh và người lao động để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất ngay sau dịch bệnh (nhất là chính sách về thuế, phí, đất đai, tài chính, lãi suất ngân hàng, dịch vụ logistics và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp).
Kế đến là cho phép DN căn cứ tình hình thực tế chủ động đưa ra phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt. Nếu DN đáp ứng điều kiện an toàn dịch bệnh có thể thỏa thuận với người lao động tăng tốc sản xuất, tăng ca, tăng giờ làm. Đối với các DN khu vực miền Nam, Tây Nguyên áp dụng Chỉ thị 16 cần rà soát, hỗ trợ DN như cho phép DN, nhà máy quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh và tuân thủ yêu cầu chống dịch theo bộ quy tắc tiêu chí an toàn mà liên Bộ Công thương - Bộ Y tế đã ban hành; vận dụng linh hoạt mô hình DN 3 tại chỗ...
Bộ Công thương sẽ tổ chức các hội nghị kết nối trực tuyến, phương thức kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nông sản, theo dõi sát diễn biến nhập siêu để có biện pháp ứng phó phù hợp; vận hành linh hoạt các hình thức cung ứng hàng hóa thiết yếu phù hợp thực tế từng địa phương. Ngoài ra, bộ đề xuất Chính phủ phổ cập tiêm chủng cho người lao động trong chuỗi cung ứng hàng hóa; cho phép người chuyên chở hàng hóa (shipper) hoạt động nếu đáp ứng điều kiện phòng chống dịch; mở luồng xanh cho vận tải đường thủy.
Theo đó, Bộ Công thương đã báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ lúa gạo, hàng hóa các tỉnh ĐBSCL trong bối cảnh thực hiện giãn cách, tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng lúa gạo, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.