Sáng nay 7-5, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dưới sự chỉ đạo và chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, làm việc với TPHCM và một số địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Chiến lược 10 năm 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Từ đó, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Báo cáo đầy đủ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của cả nước trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng tham gia buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có 5 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Tham dự buổi làm việc còn có 16 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội và 8 Bộ trưởng; các đồng chí lãnh đạo TPHCM cùng các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
“Vùng có vị thế tiếp tục là đầu kéo quan trọng của nền kinh tế đất nước, trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của TPHCM và các tỉnh trong vùng rất quan trọng trong phát triển’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã dành thời gian nhiều nhất để nghe các đồng chí lãnh đạo địa phương vùng kinh tế phía Nam phát biểu, báo cáo đánh giá kinh tế xã hội, thực trạng, kiến nghị, đề xuất phương hướng nhiệm vụ, 5 năm tới, 10 năm tới, tầm nhìn 2045 là như thế nào? Tầm mức phát triển như thế nào trong tời gian tới? Đồng thời, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị với Đảng, với Nhà nước. Từ đó, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tổng hợp, phân tính đánh giá cùng với tình hình cả nước, để xây dựng báo cáo trình Đại hội Đảng.
“Thông tin đầu vào của báo cáo - tình hình thực tiễn của các địa phương là rất quan trọng, để hình thành lên báo cáo chính trị có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, chứ không phải báo cáo sao chép”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Không chỉ cho rằng mô hình thành công, hiệu quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương chỉ ra được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sáng tạo thời gian tới. Thủ tướng đánh giá vùng có sự phát triển, TPHCM có sự phát triển rất năng động, sáng tạo, đặc biệt là có tầm nhìn tốt hơn trong 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Riêng với TPHCM, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ việc phát huy vai trò của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp trong thời gian tới. Bởi liên kết vùng trong không gian phát triển thì vai trò trung tâm, liên kết là rất quan trọng.
Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh và TPHCM tập trung đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, bối cảnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch này. Cùng đó là đánh giá khách quan, trung thực, nhận diện đúng thực tiễn kết quả đạt được, nêu bật những chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước cũng như những vận dụng, sáng tạo của địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Các điểm cần tập trung là sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực cho tăng trưởng và phát triển, các cân đối lớn, thu hút đầu tư, liên kết phát triển vùng, lao động và việc làm, phát triển đô thị, quản lý xã hội, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ… Đồng thời đánh gia những mặt còn tồn tại, hạn chế kìm hãm hay những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của đại phương, vùng và cả nước.
Ngoài ra là đánh giá các nguyên nhân của thành công cũng như những nguyên nhân của các mặt tồn tại, hạn chế, đúc rút bài học kinh nghiệm trọng việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua ở địa phương, vùng và trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đo là các đề xuất và kiến nghị của địa phương đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và từng địa phương trong 5-10 năm tới.
Tại buổi làm việc, thay mặt TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã nêu báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trên địa bàn TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, kinh tế TPHCM duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng GRDP bình quân tăng 7,83%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ này ước khoảng 8,36%.
Tương tự, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế tuy có sự chuyển biến tích cực, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công cao, sức cạnh tranh chưa tăng nhiều. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ còn thấp, công nghệ sản xuất chưa cao; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết doanh nghiệp trong nước, nước ngoài chưa rõ nét… Cùng đó, công tác quy hoạch chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình kết nối cảng, gắn kết khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các tuyến vành đai, cửa ngõ của TPHCM vẫn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu, do nhiều công trình trọng điểm chưa đủ vốn bố trí.
Trong giai đoạn 2021-2020, tầm nhìn đế năm 2045 và thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. TPHCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á.
Ngoài ra, TPHCM cũng bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Tương tự, TPHCM tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chính trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, TPHCM bảo đảm an sinh xã hội và các phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử.
Trong thời gian qua, TPHCM đã phát huy vai trò, động lực trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ. TPHCM cũng phối hợp thực hiện thống nhất quy hoạch phát triển vùng kinh tế, văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, quản lý, sử dụng nguồn nước, bảo vệ môi trường, phân bổ lực lượng sản xuất, phân bổ dân cư, cơ cấu lao động toàn vùng; phát triển TPHCM thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực với các vệ tinh cung cấp sản phẩm hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố trong Vùng. Vị trí đầu tàu, hạt nhân của TPHCM của vùng và cả nước là rất quan trọng, thể hiện, những năm qua, tỷ trọng GDP của TPHCM luôn chiếm trên 45% tổng GRDP của cả Vùng. Trong giai đoạn 2001-2018, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước trên 1,5 lần. Vùng có nguồn lao động dồi dào, trình độ cao hơn mặt bằng chung trình độ cả nước (chỉ tiêu số sinh viên cao đẳng, đại học trong vùng là 340/10.000 dân, gấp 1,36 lần cả nước). Riêng TPHCM đã tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, tạo ra lợi thế so sánh cho Vùng, có tác động lan tỏa, cung cấp nguồn nhân lực cho các vùng khác của cả nước. |