Cuối giờ chiều 29-5, liên quan tới vụ tai biến khiến nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo bị tử vong, Bộ Y tế đã quyết định cử đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh lên Hòa Bình để chỉ đạo, hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong việc chăm sóc, điều trị các bệnh nhân và làm rõ nguyên nhân vụ tai biến nghiêm trọng này.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, tính đến cuối giờ chiều cùng ngày đã có 6 trường hợp tử vong, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng và đáng tiếc. Ngay khi nhận được thông tin về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bộ Y tế lên Hòa Bình ngay trong chiều tối 29-5 để tìm hiểu thực tế về sự việc này và triển khai các công tác hỗ trợ y tế để tiếp tục cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử các chuyên gia của Cấp cứu, chống độc và Khoa Thận Nhân tạo lên Hòa Bình để trợ giúp cấp cứu bệnh nhân.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử đoàn công tác của bệnh viện gồm 4 bác sĩ lên Hòa Bình để phối hợp xử lý vụ việc, trong đó, có 2 bác sĩ khoa thận nhân tạo, một bác sĩ chuyên chống độc và một bác sĩ dị ứng.
Về phía Sở Y tế Hòa Bình cũng đang tập trung chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tích cực cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân trong vụ tai biến nghiêm trọng này.
Trong khi đó, ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng 29-5, 18 bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo đến bệnh viện chạy thận để lọc máu chu kỳ. Khi lọc máu được 30- 40 phút, bệnh nhân có các dấu hiệu sốc phản vệ. Sau đó, các bác sĩ đã dừng và chuyển sang cấp cứu gấp. Đến 17 giờ cùng ngày đã có 6 bệnh nhân tử vong sau ca sốc phản vệ.
Ông Dương cho biết, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây sốc phản vệ. Số còn lại đang được các bác sĩ tích cực cấp cứu, điều trị. Theo ông Dương, ngay sau khi phát hiện sự việc trên, bệnh viện đã xin ý kiến các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai để tư vấn, hỗ trợ. Về phía Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu chuyển bệnh nhân đi trong tình trạng đang sốc phản vệ sẽ không có lợi, không an toàn trên đường đi, bệnh nhân có thể bị suy tim hay suy hô hấp. Do đó bệnh viện đã thống nhất dùng các phác đồ điều trị, tập trung cấp cứu điều trị tích cực cho bệnh nhân bị sốc phản vệ ngay tại bệnh viện.