Viettel thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G bằng thiết bị của Ericsson tại trụ sở của tập đoàn này vào ngày 10-5 vừa qua. Trước đó, ngày 25-4, Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT-TT cấp phép.
Viettel cho biết, tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600 - 700Mbps, tương đương tốc độ cung cấp cho khách hàng mạng 5G Verizon của Mỹ. Tại sự kiện chính thức kết nối, tốc độ mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.
Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Viettel đặt mục tiêu tiên phong triển khai các công nghệ mới nhất, trong đó có công nghệ 5G đồng bộ với các nhà mạng hàng đầu thế giới để phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết thời điểm Viettel cung cấp thử nghiệm 5G là phù hợp, Viettel cũng đã phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất thiết bị 5G, thể hiện rõ hơn tính tiên phong trong cuộc đua công nghệ thông tin, hứa hẹn sẽ thúc đẩy số hóa tất cả các ngành như sản xuất, vận tải, nông nghiệp, năng lượng, y tế và giáo dục. Viễn thông Việt Nam không chỉ Viettel đủ sức làm 5G mà còn có MobiFone và VinaPhone, nhưng xem ra hai nhà mạng này đang chậm chân.
Ngày 25-4, Bộ TT-TT đã cho phép MobiFone triển khai thử nghiệm 5G với thời gian của giấy phép là từ ngày 23-4-2019 đến 22-4-2020, nhà mạng này sẽ cung cấp dịch vụ thử nghiệm 5G miễn phí cho khách hàng các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao eMBB, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí như nghe nhạc trực tuyến, video trực tuyến (HD, UHD 4K), trò chơi trực tuyến thời gian thực (AR, VR)…. Phía MobiFone cho biết, họ đang gấp rút cùng các đối tác lập kế hoạch triển khai thực hiện cho việc thử nghiệm này.
Còn VNPT cho rằng, để có thể triển khai mạng 5G thành công, cần có lực lượng R&D mạnh để có thể làm chủ và tham gia vào hệ sinh thái 5G (từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, an toàn). Trong thời gian qua, VNPT đã chú trọng đầu tư cho hoạt động R&D và tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn để xây dựng nguồn nhân lực.
Mới đây nhất, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Nokia để cùng thiết lập phòng lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên sẽ cùng thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G.
Ngoài ra hai bên còn hợp tác chia sẻ thông tin nghiên cứu mới nhất về công nghệ/sản phẩm trên mạng 5G. Dự án này dự kiến thực hiện trong 3 năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD. Hiện VNPT đã trình Bộ TT-TT xin được cấp phép thử nghiệm 5G cho mạng VinaPhone.