Chạy đua từng chi tiết
Mới nhất là sự kiện thử nghiệm thương mại 5G tại lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM ngày 31-12-2020. Tại sự kiện này, Viettel được giới thiệu là nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G cho TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông với nền tảng phát triển mũi nhọn là kinh tế tri thức.
VinaPhone và MobiFone không đứng ngoài cuộc. Hai nhà mạng này cho xe phát sóng 5G đến phát sóng ngay địa điểm diễn ra sự kiện thành lập TP Thủ Đức đã tạo nên sự “cạnh tranh” không kém phần sôi nổi. Viettel xây dựng cột sóng 5G trong sân UBND quận 2 (cũ) và một số trạm phát sóng quanh đó, VinaPhone có xe phát sóng 5G và vài trạm phát sóng 5G xa xa… Hôm thử nghiệm, khi chúng tôi đứng ở sân UBND quận 2, sóng 5G của 3 nhà mạng đều có nhưng đi ra xa một chút thì không thấy 5G đâu (!?).
Việc các nhà mạng chạy đua công bố thử nghiệm thương mại 5G không chỉ có vậy. Sự kiện Viettel công bố khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G chiều 30-11-2020 tại Hà Nội, thì trước đó một ngày, VinaPhone đã nhanh chóng công bố thử nghiệm thương mại 5G tại TPHCM và Hà Nội. Còn MobiFone âm thầm nhưng cũng không kém cạnh khi công bố hàng loạt hình ảnh lắp đặt trạm phát sóng 5G tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, trung tâm quận 1…
Chưa hết, ngày 17-12-2020, ngày thử nghiệm thương mại 5G dành cho giới truyền thông tại Trung tâm MobiFone tại quận 1 còn công bố con số giật mình: Kết quả ghi nhận tốc độ download 5G MobiFone ở mức kỷ lục, hơn 1,7Gbps, vượt xa các mốc cao nhất trước đó và tiệm cận với tốc độ lý thuyết của 5G trong phòng thí nghiệm ở băng tần 2.600MHz mà MobiFone được cấp phép. Con số MobiFone công bố ngay lập tức tạo nên hiệu ứng, các nhà mạng như Viettel, VinaPhone liền công bố tốc độ download 5G của mình không hề thua kém MobiFone… dù trước đó chỉ công bố hơn 1,1 Gbps.
Cần chương trình cụ thể
Tốc độ đo kiểm hiện tại bình quân của các nhà mạng đang là 1,2-1,5Gbps. Với tốc độ này, khách hàng có thể tải 1 bộ phim HD 90 phút chỉ trong 30 giây (gấp hàng chục lần so với 4G), xem bóng đá trực tiếp, chơi game đồ họa cấu hình cao trực tuyến, các ứng dụng thực tế ảo tăng cường AR/VR... không có độ trễ với trải nghiệm thời gian thực. Đó là nói về dùng 5G cho giải trí số, dịch vụ số… song các nội dung giải trí, dịch vụ số nói trên đang còn rất hạn chế, chỉ mang tính trình diễn là chủ yếu, nên nếu cứ “gán” 5G cho các dịch vụ này trong thời điểm hiện nay có lẽ là quá xa.
Viettel cho rằng, 5G cho phép chúng ta không chỉ cung cấp các dịch vụ kết nối Internet vạn vật, mà hơn thế nữa là “Internet mọi vật”: phẫu thuật từ xa, nhà máy tự động hóa toàn quy trình, ô tô tự hành, xe ô tô bay… Với định hướng là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở TPHCM và khu vực, TP Thủ Đức cần được triển khai nhanh và mạnh mẽ hạ tầng xã hội số, trong đó mạng 5G được triển khai sớm nhằm đem lại nhiều khả năng có được mạng lưới kết nối hiệu quả hơn.
Hệ thống kết nối trước hết cần phủ sóng 5G rộng khắp. Tuy nhiên, theo Viettel, đầu tư mới một trạm 5G hiện nay khoảng 1 tỷ đồng. Nếu dựa trên hạ tầng sẵn có của từng nhà mạng, trạm phát sóng 5G có thể giảm còn 200-300 triệu đồng… Việc phủ sóng 5G ở TP Thủ Đức để cung cấp hạ tầng cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông là một bài toàn lớn cho các nhà cung cấp 5G muốn chen vào đây. Và thực tế, điểm nào cần 5G, điểm nào không cần 5G cũng cần thể hiện rõ ràng để tránh đầu tư dàn trải.
Mới đây, Sở TT-TT các tỉnh thành đã kiến nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm 5G ở địa phương.
Cụ thể, các sở TT-TT Phú Thọ, Bình Phước đề nghị bộ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty viễn thông khẩn trương phê duyệt, chỉ đạo chi nhánh các tỉnh phát triển mạng 5G tại các khu công nghiệp, khu dân cư. Sở TT-TT tỉnh Đắk Lắk đề nghị có hướng dẫn thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm thương mại trong đề án của doanh nghiệp viễn thông về triển khai mạng 5G… Tuy nhiên, khi hạ tầng 5G còn chưa triển khai thì “Chương trình ứng dụng 5G” của các tỉnh thành cũng chưa được phác thảo. Thực tế vẫn còn xa!