53% nguồn nhân lực tri thức làm việc tự do

Chiều 22-12, Anphabe tổ chức hội nghị công bố bảng xếp hạng 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021. Chương trình khảo sát do Anphabe thực hiện với sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Kết quả, Nestlé Việt Nam lần đầu tiên được bình chọn là Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021. 

Tại hội nghị, Anphabe công bố báo cáo chuyên sâu về “The big shift - Bước chuyển lớn”, cập nhật 3 chuyển biến đáng chú ý của nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn đầy biến động hiện nay.

Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc tại Anphabe cho biết, có 3 bước chuyển lớn đó là: Hình thức làm việc kết hợp lên ngôi; làn sóng “làm việc tự do” thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực; cơn bão “nghỉ việc ồ ạt” và sự trỗi dậy của nhóm “siêu nhảy việc”.

Thích kết hợp làm việc ở nhà và công sở

Theo đánh giá, người đi làm không còn mặn mà trở lại công sở, thay vào đó họ kỳ vọng nhiều hơn vào những phương thức làm việc mới sau đại dịch, đồng thời cũng đang có hiện tượng nghỉ việc ồ ạt.

Theo đó, xu hướng người đi làm mong muốn hình thức làm việc kết hợp – Hybrid Work (linh hoạt giữa làm ở nhà và làm ở công sở) sau đại dịch gia tăng mạnh mẽ trên khắp thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kết quả khảo sát trực tuyến do Anphabe thực hiện cho thấy, chỉ 40% người đi làm tri thức mong muốn quay lại công sở hoàn toàn, có đến 56% ưu tiên chọn hình thức làm việc kết hợp. Đáng chú ý, có 4% chọn sẽ nghỉ việc luôn để chuyển sang công việc tự do và nhờ đó được linh hoạt chọn nơi làm việc.

53% nguồn nhân lực tri thức làm việc tự do ảnh 1 Người đi làm không còn mặn mà trở lại công sở, thay vào đó họ kỳ vọng nhiều hơn vào những phương thức làm việc mới sau đại dịch Covid-19

Hình thức làm việc kết hợp tạo ra sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn uống và tạo cảm giác thoải mái cho người đi làm, đồng thời hạn chế được những bất cập khi làm việc từ xa hoàn toàn.

Một số doanh nghiệp yêu cầu nhân viên vẫn đi làm trong giai đoạn giãn cách, phần nhiều do tính chất công việc nhưng cũng không hiếm trường hợp do lãnh đạo cấp cao vẫn chỉ quen khi nhân viên phải có mặt ở văn phòng. Do vậy, không phải ngẫu nhiên khi tỷ lệ nhân viên muốn nghỉ việc để trở thành lao động tự do tại các doanh nghiệp này là cao nhất, gấp 2 lần nhóm nhân viên được làm việc tại nhà và gấp 3 lần nhóm được làm việc kết hợp trong giai đoạn giãn cách.

53% nguồn nhân lực tri thức làm việc tự do ảnh 2 Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc tại Anphabe cho rằng, nếu muốn thu hút và giữ chân nhân tài giỏi, doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng xu hướng làm việc kết hợp giữa ở nhà và ở công sở

“Hình thức làm việc kết hợp là một xu hướng rõ ràng của tương lai, đặc biệt với các nhóm văn phòng mà tính chất công việc cho phép có thể hoàn thành nhiệm vụ từ nhiều nơi. Nếu muốn thu hút và giữ chân nhân tài giỏi, mở rộng nguồn lực không giới hạn địa lý và gia tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng xu hướng làm việc mới này”, bà Thanh Nguyễn gợi mở.                               

Nghịch lý tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng nghỉ việc cũng cao

Bước chuyển lớn thứ 2 là làn sóng “làm việc tự do” thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực. Xu hướng chuyển dịch từ chỉ làm một công việc toàn thời gian tại một công ty cố định (Full-time Worker) sang làm việc tự do – chỉ nhận dự án độc lập, freelance, cộng tác viên ngắn hạn, không ký hợp đồng cố định, đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện có tới 53% nguồn nhân lực tri thức đã tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (Gig economy - nền kinh tế có sự tham gia đông đảo của lực lượng lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi nhiều khách hàng.)

Trong thời gian tới, do ảnh hưởng từ Covid-19, số lượng người làm việc tự do toàn thời gian dự kiến giảm 1% còn 13%; nhưng số làm việc tự do bán thời gian sẽ tăng, nâng tổng số nguồn nhân lực tri thức tại Việt Nam có tham gia vào nền kinh tế chia sẻ lên 57%, thể hiện rõ ràng xu hướng này.

53% nguồn nhân lực tri thức làm việc tự do ảnh 3 Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe đối thoại với ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam về nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Bước chuyển lớn thứ 3 chính là cơn bão “nghỉ việc ồ ạt” và sự trỗi dậy của nhóm “siêu nhảy việc”. Có một nghịch lý đang diễn ra trong nguồn nhân lực: Dù tỷ lệ thất nghiệp đang cao, nhưng tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cũng vô cùng cao - cứ 10 người thì có tới 6 người đang chủ động tìm kiếm công việc mới. Nghịch lý này càn quét từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á và bây giờ là Việt Nam, với tên gọi chung là The Great Resignation – trào lưu nghỉ việc ồ ạt.

Điều khiến các nhà quản lý vô cùng thắc mắc là hậu Covid-19, những tưởng nhân viên sẽ quý công việc và vui mừng khi được đi làm lại, thế nhưng, thay vào đó, họ lại quyết định nghỉ việc hàng loạt. Theo đó, chỉ số gắn kết tình cảm và gắn kết lý trí, hai yếu tố quan trọng tác động tới nỗ lực tự nguyện và cam kết gắn bó của người đi làm được Anphabe đo lường trên diện rộng đang ở mức thấp nhất trong 6 năm qua. Vì thế tỷ lệ nhân viên mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng đang thấp nhất, chỉ 46% nguồn nhân lực. Trong đó, có khoảng 17% nguồn nhân lực thuộc nhóm siêu nhảy việc.

Các chuyên gia dự báo, với ảnh hưởng kéo dài của Covid-19, không chỉ nhóm “siêu nhảy việc” mà cả nhóm nhân viên tiêu chuẩn cũng dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ dao động và dứt áo ra đi. Do đó, doanh nghiệp cần có những hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần để hỗ trợ nhân viên vượt qua những “chông chênh” trong giai đoạn này, cũng như hạn chế thất thoát đáng tiếc cho tổ chức.

 
53% nguồn nhân lực tri thức làm việc tự do ảnh 4 Nestlé Việt Nam lần đầu tiên được bình chọn là Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 

100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Chiều cùng ngày, Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã công bố bảng xếp hạng 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021.

Chương trình khảo sát do Anphabe thực hiện với sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Kết quả, Nestlé Việt Nam lần đầu tiên được bình chọn là Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021

 Trong Top 50 Doanh nghiệp Việt có Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn 2021, có các doanh nghiệp Việt như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, Vinasoy, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Xây Dựng Hòa Bình, PNJ Group, Biti's...

Ban tổ chức cũng vinh danh Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu có nguồn nhân lực Hạnh phúc 2021 tiếp tục ghi nhận những doanh nghiệp có nhiều chương trình gắn kết, chăm lo đời sống vật chất và sức khỏe tinh thần cho người đi làm.

Tin cùng chuyên mục