50 năm đã trôi qua, Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một trong những trang vàng chói lọi nhất.
Sáng ngày 30-4-1975, từ 5 hướng, các binh đoàn chủ lực có xe tăng dẫn đầu đập tan các khu vực phòng thủ của địch, áp sát Sài Gòn. Vào lúc 10 giờ 45 phút, xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng phấp phới bay trên nóc Dinh; Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh được đưa đến đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, giang sơn thu về một mối.
Trưa ngày 30-4-1975, xe tăng Quân Giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập Tổng thống Dương Văn Minh trên đường đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàngNgười dân Sài Gòn đổ ra đường chào mừng đoàn Quân Giải phóng
TỜ NHẬT BÁO CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN SAU NGÀY GIẢI PHÓNG
Trước đó, vào giữa 4-1975, Trung ương Cục miền Nam đã lên kế hoạch để các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, trong đó nòng cốt là nhóm phóng viên Báo Giải Phóng theo các cánh quân cùng tiến về Sài Gòn, chuẩn bị mọi điều kiện để xuất bản tờ báo mang tên Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) khi thời cơ đến. Ngày 29-4-1975, các phóng viên đã cùng các cánh quân tiến về Sài Gòn, chuẩn bị xuất bản tờ báo cách mạng đầu tiên ngay sau ngày giải phóng.
Trung ương Cục lên phương án đưa lực lượng phóng viên tiến về Sài GònCác phóng viên Báo Giải phóng trên đường về Sài Gòn
Chiều 4-5-1975, chỉ 4 ngày sau thời khắc lịch sử 30-4-1975, theo quyết định của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (nay là Thành ủy TPHCM), giữa bộn bề khó khăn, ngổn ngang bao công việc của một đô thị đầu não của địch vừa được giải phóng, bằng một nỗ lực phi thường của cán bộ, phóng viên, một tờ nhật báo khổ lớn mang tên SÀI GÒN GIẢI PHÓNG đã được xuất bản với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thông tin cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sài Gòn.
Chiều 4-5-1975, gần nửa triệu tờ Báo SGGP số đầu tiên (đề ngày 5-5-1975) đã được phát hành trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân thành phố. Mọi người đón đọc tờ báo đầu tiên của cách mạng với những thông tin, thông báo mới nhất của chính quyền, những đổi thay của cuộc sống mới trong sự tò mò, háo hức.
Hình ảnh 4 trang báo số đầu tiên của Báo Sài Gòn Giải Phóng phát hành vào chiều 4-5-1975
Thành phố Sài Gòn gần 4 triệu dân lúc đó từng có khoảng 50 tờ nhật báo, nhu cầu đọc báo đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Ở thời điểm mới giải phóng chỉ có duy nhất 1 tờ nhật báo của chính quyền mới, càng tạo sức hút mạnh mẽ đối với bạn đọc.
Hàng ngàn anh chị em công nhân bán báo vùng Sài Gòn - Gia Định chen nhau ôm, vác báo Sài Gòn Giải Phóng chuyển về địa phương để kịp cung ứng cho bà con các giới. (Trang 1 Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 22-5-1975)Bạn đọc chào đón tờ Sài Gòn Giải Phóng số đầu tiên, có hình Bác Hồ cỡ lớn trên trang nhất. (Trang 2 ngày 6-5-1975)
KỂ TỪ THỜI KHẮC LỊCH SỬ NÀY, cuộc sống mới với bao bộn bề, sôi động của thành phố Sài Gòn - Gia Định vừa được giải phóng và chặng đường dài 50 năm của TPHCM với biết bao sự kiện, cột mốc đáng nhớ, đáng tự hào đã được phản ánh kịp thời, sinh động mỗi ngày trên các trang nhật báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, hôm nay đúng vào dịp đất nước ca khúc khải hoàn mừng 50 năm ngày vui hòa bình, thống nhất non sông, cùng lật giở lại từng trang báo SGGP từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động với những bức hình ảnh, những dòng tin đã ngả màu theo năm tháng.
Tất cả làm sống lại những dấu ấn, những kỷ niệm, những cột mốc tự hào không thể nào quên của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố mang tên Bác kính yêu, trong suốt chặng đường gian lao, hào hùng, thắng lợi nửa thế kỷ qua.
Cũng cần nói thêm, SGGP là tờ NHẬT BÁO chính thống duy nhất của thành phố sau ngày giải phóng và hàng chục năm sau đó. Vì thế tư liệu, hình ảnh, tin tức được cập nhật nóng hổi mỗi ngày trên SGGP về hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và cuộc sống của người dân Sài Gòn - TPHCM suốt 50 năm qua là một “kho báu” vô cùng phong phú, độc đáo, quý hiếm cần được gìn giữ lâu dài!
Chiều 4-5-1975, chỉ 4 ngày sau thời khắc lịch sử 30-4-1975, theo quyết định của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành ủy TPHCM), giữa bộn bề khó khăn, ngổn ngang bao công việc của một đô thị đầu não của địch vừa được giải phóng, bằng một nỗ lực phi thường của những người làm báo, một tờ nhật báo khổ lớn mang tên SÀI GÒN GIẢI PHÓNG đã được xuất bản.
Hòa chung niềm vui tột cùng của cả nước khi miền Nam được giải phóng, các số đầu tiên của Báo SGGP đã phản ánh sinh động, kịp thời không khí náo nức, sôi nổi của người dân thành phố Sài Gòn - Gia Định sau ngày 30-4-1975.
Sau khúc ca khải hoàn mừng ngày giải phóng, chính quyền và người dân thành phố bắt tay xây dựng cuộc sống mới với bao bộn bề, phức tạp. Bởi vừa mới hôm qua, thành phố Sài Gòn được xem là “thủ đô” đầu não của chính quyền địch, với gần 4 triệu dân cùng một bộ máy quân sự, dân sự khổng lồ vừa sụp đổ, ngổn ngang sau chiến tranh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định vào những ngày đầu giải phóng ở một đô thị lớn, phức tạp như TP Sài Gòn - Gia Định là việc giữ gìn an ninh trật tự. Cũng theo tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Một trong những thực trạng của thành phố Sài Gòn - Gia Định ngay sau ngày giải phóng là hàng chục ngàn người dân từ các tỉnh di tản về thành phố trong những ngày chiến sự cùng hàng ngàn người nghèo khác lâm vào cảnh đói kém, có nguyện vọng được trở về quê. Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã nỗ lực tổ chức cứu đói cho người dân và tạo điều kiện cho người dân trở lại quê nhà. Các trang báo SGGP đã phản ánh rõ nét nỗ lực to lớn này của chính quyền thành phố.
Phần II
NHỮNG DẤU MỐC TỰ HÀO QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ
Kể từ thời điểm 30-4-1975 - ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định và miền Nam giải phóng, chính quyền đầu tiên mang tên Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định và UBND TPHCM sau đó đã giải quyết hàng loạt vấn đề phức tạp để hồi sinh cuộc sống của một đô thị lớn nhất miền Nam, vốn là đầu não của địch. Một năm rưỡi kể từ thời khắc lịch sử 30-4-1975, vào ngày 11-11-1976, đại hội đầu tiên của Đảng bộ TPHCM được khai mạc.
Thành phố mang tên Bác VIẾT TIẾP TRANG SỬ KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là vùng đất Gia Định xưa, đã trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển. Đặc biệt, vào ngày 5-6-1911, tại Bến Nhà Rồng (quận 4 hiện nay), người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước, mở ra một trang sử mới tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước UBND TPHCM
Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), TPHCM đã không ngừng đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Với tinh thần năng động, sáng tạo, TPHCM hiện là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đóng góp hơn 20% GDP cả nước. Trong giai đoạn tới, TPHCM đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số, xây dựng đô thị văn minh - hiện đại - nghĩa tình; tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm động lực phát triển của cả nước, đóng góp quan trọng vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.
Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt NamSự kiện Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mở ra trang sử phát triển mới cho TPHCM và cả nướcDiện mạo đô thị TPHCM không ngừng thay đổi, phát triển trở thành đô thị văn hiện đại
Suốt 50 năm qua, những người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng đã không ngừng nỗ lực thực hiện sứ mệnh của mình - là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Từ những ngày đầu sau giải phóng, giữa muôn vàn khó khăn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo đã kiên trì bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh trung thực, kịp thời và sinh động nhất những chuyển động của TPHCM và đất nước.
Trụ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng
Với tinh thần trách nhiệm cao, ở chặng đường tiếp theo, Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và đồng hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của TPHCM trong hành trình vươn tầm khu vực và thế giới.
Các sản phẩm báo chí hiện nay của Báo SGGP Phóng viên Báo SGGP tác nghiệp