Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến máu, chư tôn đức lãnh đạo, giảng sư, gần 500 tăng ni sinh học viện và đông đảo Phật tử đã nhất tâm hoan hỉ hưởng ứng, thực hiện hạnh Bồ Tát của mình bằng việc làm thiết thực này. Thượng tọa cũng kỳ vọng hoạt động này sẽ tiếp tục được lan tỏa, tạo nên một phong trào nhân văn và ý nghĩa rộng lớn trong cả nước.
Năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận gần 1,6 triệu đơn vị máu (trong đó trên 98% là người hiến máu tình nguyện), tương đương với gần 1,8% dân số hiến máu. Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh. Hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống.
Theo thống kê năm 2006 của ngành y tế khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (dân số Việt Nam lúc đó hơn 85 triệu người) thì: Có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận và trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc (trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc) và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi.
Tính đến tháng 7-2019, cả nước có gần 25.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người sau khi chết não và Việt Nam đã thực hiện được trên 3.000 ca ghép tạng.
Trước đó, Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ đã 4 lần tổ chức đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học: lần gần nhất vào tháng 5-2019 với gần 600 tăng ni, phật tử đăng ký; 250 người đăng ký năm 2015, 583 người đăng ký năm 2016 và 527 người đăng ký năm 2017.