500 chính khách, học giả trên thế giới dự “Diễn đàn Hà Nội”
SGGPO
Ngày 9-11, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Giáo dục Hàn Quốc đã khai mạc “Diễn đàn Hà Nội”. Đây là một sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội, ra đời với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế.
Diễn đàn Hà Nội diễn ra từ ngày 8 đến 10-11 với chủ đề “Hướng đến phát triển bền vững - Ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh”.
Diễn đàn này khuyến khích nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Diễn đàn quy tụ tới 500 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng thế giới cùng thảo luận các nội dung liên quan.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Diễn đàn Hà Nội với chất lượng khoa học cao là một minh chứng rõ nét cho sự đồng hành của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và xây dựng chương trình hành động quốc gia.
Những kết quả nghiên cứu khoa học báo cáo tại diễn đàn sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp cho báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 2018 (COP24) sẽ diễn ra tại Ba Lan vào đầu tháng 12 tới đây.
Đồng thời, những khuyến nghị chính sách cho sự phát triển bền vững đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông sẽ là điểm nhấn quan trọng trong Diễn đàn Hà Nội 2018.
Trước đó, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp thứ 70 vào năm 2015 là một kế hoạch hành động vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng.
Trong đó có 17 mục tiêu chung phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể được thông qua nhằm đảm bảo cho quá trình hội nhập và liên kết giữa các quốc gia, vì lợi ích chung của mọi người dân, cho thế hệ hôm nay và ngày mai.
Từ khi chương trình được thông qua, thế giới chứng kiến sự phát triển vươn lên ngoạn mục của nhiều quốc gia song hành với sự cải thiện đáng kể chất lượng sống của người dân.
Bên cạnh đó, loài người cũng đang phải đối diện với cuộc khùng hoảng lớn chưa từng có về biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa an ninh và phát triển bền vững của nhân loại.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở…
Trong những năm qua, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế…
Việt Nam cũng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 và thể hiện vai trò một quốc gia có trách nhiệm trong những vấn đề mang tính toàn cầu.
Đồng hành cùng nỗ lực của Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội tích cực nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nghiên cứu, phục vụ quản lý và góp phần phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Cơ sở này là một trong những đơn vị nghiên cứu có chuyên môn về lĩnh vực khoa học trái đất, quản lý tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu và khoa học liên ngành…