Mỗi sinh viên được nhận học bổng trị giá 17 triệu đồng. Ngoài ra, ban tổ chức còn tổ chức đêm hội giao lưu, tham quan các danh thắng tại TPHCM và tài trợ toàn bộ chi phí đi lại của các sinh viên nhận học bổng.
Chẳng hạn, bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn là con em gia đình thuộc diện hộ nghèo, cha mất sớm, một mình mẹ nuôi 4 chị em ăn học. Từ năm lớp 3, Tú đã cùng các anh chị trong nhà làm thêm bằng cách kết hạt cườm, lột vỏ hạt điều, se nhang… để kiếm tiền mua sách vở.
Nguyễn Thị Quỳnh Trang, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), mẹ mất sớm, một mình cha em nuôi 4 người con. Chị của Trang đậu đại học nhưng không có tiền đành nghỉ học, đi làm thuê để nhường cho em học. Dẫu vậy, Trang luôn giữ vững thành tích học tập xuất sắc. Năm lớp 12, Trang đoạt giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.
Chương trình học bổng năm nay cũng là chỗ dựa của nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số, ngoài việc học còn phải lên rẫy hái cà phê, hái tiêu, nơi các em sinh sống còn quan niệm rất lạc hậu, không quan trọng việc học cao mà quan trọng có biết cuốc đất trồng cây hay không.
Tiêu biểu như Ka Rích, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM. Hay như Lê Minh Giao, Học viện Cán bộ TPHCM, sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em và lại có hai người bị tâm thần.
Nhiều khi, anh trai của Giao lên cơn còn đánh đập người thân, thậm chí là đốt cả ngôi nhà đang ở khiến cả gia đình phải đi ở nhờ hàng xóm. Những ngày hè, Giao còn lên tận Bình Dương để làm thêm ở các công ty.