50 năm y tế TPHCM: Phát triển kỹ thuật chuyên sâu, thu hẹp khoảng cách các tuyến

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn TPHCM ngày càng có nhiều đổi mới, tiến bộ. Không chỉ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, ngành y tế thành phố còn tập trung các giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Làm chủ nhiều kỹ thuật cao

Là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu từ năm 2012, đến nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã điều trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân Parkinson bằng kỹ thuật này. Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện, cho biết, nếu như trước đây, bệnh nhân Parkinson phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao thì nay đã yên tâm điều trị tại Việt Nam với chi phí phù hợp và nhanh chóng hồi phục. Kỹ thuật này được đánh giá mang lại hiệu quả cao và hầu như không có các biến chứng phẫu thuật.

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, ngành y tế thành phố đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân và bước đầu khẳng định vị thế trong khu vực. Về lĩnh vực ngoại khoa, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được tiếp cận và ứng dụng, đặc biệt là các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu mang lại lợi ích cho người bệnh, như: phẫu thuật nội soi, can thiệp nội soi qua các ngả tự nhiên, can thiệp nội mạch, phẫu thuật robot...

Hiện Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện thành công hàng ngàn ca phẫu thuật bằng robot điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, gan mật tụy, lồng ngực… Sự thành công của phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân là minh chứng điển hình cho việc dù đi sau thế giới nhưng Việt Nam đã tiệm cận đỉnh cao của phẫu thuật ngoại khoa. So với các nước trong khu vực, phẫu thuật robot của Việt Nam đã nhỉnh hơn một bước về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn.

Cũng nhờ áp dụng các kỹ thuật chuyên khoa sâu cùng cải thiện chất lượng dịch vụ, tỷ lệ người Việt Nam ra nước ngoài điều trị bệnh bắt đầu giảm hẳn. Cùng với đó, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng những năm gần đây, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến từ các quốc gia khác, nhiều nhất là khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia…

“Thời gian tới, thành phố sẽ hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện - trường; xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở. Thành phố đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, phát triển du lịch y tế; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; phát triển kỹ thuật chuyên sâu, cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh”

PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TPHCM

yte_TPHCM.jpg
Một ca phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân

Củng cố y tế cơ sở

Trong suốt 50 năm hình thành và phát triển của ngành y tế TPHCM, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Những nỗ lực này đang ngày càng chứng minh bằng hệ thống y tế dự phòng vững chắc và hiệu quả; hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Điển hình là công tác nâng cao chất lượng dân số, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng sống của người dân.

Hiện tuổi thọ trung bình của người dân thành phố là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (74,7 tuổi). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em luôn duy trì ở mức thấp nhất cả nước; chiều cao trung bình không ngừng được tăng lên… Đặc biệt, không chỉ chăm sóc sức khỏe thể chất, ngành y tế còn triển khai các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, nhất là sau dịch Covid-19 như: Triển khai thêm hoạt động “Cấp cứu trầm cảm”; tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho nhóm đối tượng khác nhau…

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, TPHCM thường xuyên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế đảm bảo chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở; hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế thông qua kết nối hội chẩn từ xa (hệ thống Telemedicine) với bệnh viện tuyến trên; đấu thầu thuốc từ riêng lẻ sang đấu thầu gộp cho tuyến y tế cơ sở nhằm đáp ứng đủ cơ số thuốc cho trạm y tế; triển khai gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu… Bước đầu, sự đầu tư này mang lại những kết quả đáng khích lệ. Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh, từ năm 2024, chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi được triển khai thống nhất trên toàn thành phố nhằm phát hiện sớm, kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính và tiết kiệm chi phí điều trị. Từ đó, ngành y tế thành phố đã xác định mô hình bệnh tật của người cao tuổi trên địa bàn để có biện pháp điều trị và chăm sóc kịp thời.

Tin cùng chuyên mục