50 năm Văn học Việt Nam: Tạo đà để đón nhận một thời đại mới

Tính từ giai đoạn đất nước thống nhất năm 1975 đến nay, văn học Việt Nam đã trải qua 50 năm phát triển đầy mạnh mẽ. Các tác giả, từ văn xuôi đến thơ ca, từ lý luận đến phê bình, đã tạo ra một nền văn học đa dạng, phong phú, luôn hướng về cái đẹp, sự thật và những giá trị bền vững của cuộc sống, không chỉ phản ánh những biến động lịch sử mà còn khẳng định giá trị tinh thần của dân tộc.

Văn học Việt Nam có nhiều bước ngoặt quan trọng

Nhìn lại 50 năm qua, văn học Việt Nam đã trải qua nhiều bước ngoặt, mỗi bước đều ghi dấu những thay đổi sâu sắc của đất nước, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền văn học. Tại Hội nghị lý luận, phê bình văn học “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” vừa diễn ra ở Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, có 3 mốc quan trọng, mỗi mốc không chỉ phản ánh sự chuyển mình của đất nước mà còn khẳng định vai trò và giá trị của văn học trong xã hội.

%6b.jpg
Bạn đọc tìm mua sách tại Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Ảnh: THU HÀ

Sau năm 1975, theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, là thời kỳ phức tạp nhất của con người, với những thay đổi trong vận động xã hội và nhận thức cá thể. Con người bắt đầu nhận ra quyền được lựa chọn, và tinh thần đoàn kết dần bị thay thế bởi xu hướng cá thể hóa. Đây là một xu thế tất yếu trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và bắt đầu xây dựng một xã hội mới. Còn theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, giai đoạn này, văn học Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là cùng với các nhà văn trong nước, nhiều nhà văn người Việt ở nước ngoài cũng đóng góp vào sự phát triển của nền văn học, giữ vững tinh thần dân tộc và lòng yêu quê hương, đất nước.

Cao trào đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 80 và tiếp tục được mở rộng về sau, chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng. Về văn xuôi có các tác giả như Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Về thơ có Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý… Về kịch có Lưu Quang Vũ, Xuân Trình…

Nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ: “Nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, chúng ta không thể không tự hào vì những gì nó đã làm được. Bên cạnh đó, cũng không thể không băn khoăn rằng, từ hôm nay, văn học của chúng ta sẽ đi tiếp tới đâu, cần phải đi tiếp tới đâu, cách đi ra sao để chứng tỏ nội lực văn hóa truyền thống và sức vóc của dân tộc trong thời đại mới”.

Thương mại hóa văn học gây ảnh hưởng tới cảm thụ cái đẹp

Mặc dù văn học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong 50 năm qua, nhưng theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong đời sống văn học sau 1975. Một vấn đề lớn là sự thiếu cân đối giữa lượng và chất. Kinh tế thị trường và sự phân hóa trong thị hiếu đã dẫn đến sự thương mại hóa văn học, phát triển các xu hướng giải trí, phê bình theo phe cánh và quảng cáo tác phẩm dễ dãi. Điều này đã tạo ra môi trường khiến một số tác phẩm trở nên thô tục, không phù hợp với giá trị thẩm mỹ và gây phản ứng tiêu cực từ độc giả.

Một vấn đề đáng lo ngại khác được GS-TS Phan Tuấn Anh chỉ ra là tình trạng học sinh đối phó với môn văn trong nhà trường. Phương pháp giảng dạy thiếu sự chú trọng đến tính sáng tạo và cảm nhận nghệ thuật của học sinh, thay vào đó lại nặng nề vào các sự kiện xã hội, lịch sử văn học hay những nội dung tư tưởng, chính trị. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt trong việc phát triển khả năng cảm thụ cái đẹp và làm mất đi niềm yêu thích đối với văn học của học sinh.

Liên quan đến lý luận và phê bình văn học, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, công tác lý luận đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Lực lượng nghiên cứu lý luận chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, thiếu vắng ở các địa phương. Một trong những vấn đề nghiêm trọng là tình trạng phê bình văn học theo đơn “đặt hàng”. Đây là loại phê bình chỉ nhằm quảng cáo tác phẩm, không thực hiện chức năng thẩm định thực chất. Hiện tượng này cần được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời vì nó làm méo mó đời sống văn học, khiến các giá trị đích thực không đến được với độc giả.

Để đón nhận một thời đại mới cho văn học Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ tâm huyết đã chỉ ra một số giải pháp như việc quan tâm và đầu tư vào những người cầm bút, tạo điều kiện để họ phát triển tài năng; thúc đẩy quá trình hội nhập và đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới. Ngoài ra, các đại biểu đều nhấn mạnh việc cần thiết phát triển hoạt động lý luận và phê bình văn học. Hình thành một hệ thống phê bình văn học chất lượng sẽ giúp định hướng và bảo vệ giá trị đích thực trong văn học, tránh sự xâm nhập của những yếu tố thương mại, làm lệch lạc nhận thức và đánh giá.

Tin cùng chuyên mục